Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một quyết định đột phá

Nguyễn Triều| 28/08/2011 06:10

(HNM) - Mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều cố gắng, quyết tâm nhưng nhìn chung tình hình tham nhũng ở Việt Nam vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp. Tệ tham nhũng vẫn là vấn đề bức xúc, là mối quan tâm lớn của xã hội và là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Tham nhũng tồn tại bởi nhiều lý do. Lý do phổ biến nhất, cơ bản nhất là biện pháp và thực thi chưa triệt để; cơ sở pháp lý thiếu nhất quán; biện pháp xử lý chưa phù hợp; hoạt động của các cơ quan hành pháp, tư pháp chưa thống nhất...

Nghị định 68 của Chính phủ vừa ban hành (có hiệu lực từ ngày 30-9) về việc minh bạch tài sản, thu nhập của các quan chức, đại biểu nhân dân thực sự là một biện pháp cần thiết, kịp thời trong tình hình kinh tế - xã hội nhiều biến động ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế; đến quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; đến đời sống hằng ngày của người lao động...

Minh bạch hiểu đơn giản là rõ ràng, đầy đủ, công khai. Nếu nghị định được thực hiện đúng, chắc chắn không ít quan tham sẽ phải suy xét cẩn thận khi cầm phong bì. Và ngay "các bà chị" cũng sẽ bớt "lễ nhiều nói ngọt" nên lời dễ nghe...

Việc kê khai và công khai tài sản sẽ được tiến hành như thế nào? Kê khai khá đơn giản - tự kê và tự chịu trách nhiệm. Quan chức công khai ở cơ quan; đại biểu công khai với cử tri.

Thông thường tại cuộc họp toàn thể cơ quan hằng năm, lãnh đạo sẽ công khai tài chính (thu chi ra sao trong năm). Thoạt nghe là công khai, dân chủ nhưng thực tế đó vẫn là hình thức: Thu chi hàng chục, hàng trăm tỷ đồng cả năm mà mấy trang giấy toàn số, lại đọc ào ào chứ không in ra phát cho từng người nên chưa vào tai này đã ra tai khác, cuối cùng không ai biết được bức tranh tài chính thật ra sao và cũng không có quyền đòi bản sao. Không biết với Nghị định 68, tờ khai tài sản, thu nhập của cán bộ có phát cho từng người hay chỉ đọc một lần trong cuộc họp toàn thể? Đại biểu công khai với cử tri, nhưng với toàn thể cử tri hay chỉ với những người được lựa chọn?

Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao báo chí và người dân không được tiếp cận bản kê minh bạch công khai ấy? Câu trả lời rằng: Vấn đề này đã được tính đến và đang tiếp tục nghiên cứu. Không biết các cơ quan hữu trách còn nghiên cứu đến bao giờ?

Vấn đề không đơn giản là biết, mà biết như thế nào. Nghe dư luận và đọc thông tin chính thức trên báo là hai chuyện hoàn toàn khác hẳn nhau. Một vấn đề nữa cũng đã được các nhà soạn thảo nghị định tính đến nhưng chưa đưa vào vì "đợi nghiên cứu tìm ra công cụ hữu hiệu ngăn chặn" - đó là khả năng tẩu tán tài sản; cho đứng tên người khác...

Một thắc mắc nữa là biện pháp xử lý những người kê khai không trung thực: Nhẹ thì khiển trách; nặng thì cách chức. Như vậy có quá nhẹ? Liệu có tiến hành điều tra, truy tố... nếu thấy có dấu hiệu hình sự (điều rất có khả năng xảy ra)...

Nghị định 68 như một cảnh báo là tham nhũng đã bắt rễ quá sâu vào lối sống, quan hệ xã hội; đã trở thành một thứ "dầu bôi trơn" và có khả năng trở thành một kiểu "văn hóa giao tiếp, ứng xử" trong làm ăn... Và để chống tham nhũng, trước hết cần công khai, minh bạch từ những người dễ có lợi ích từ quan hệ với nó.

Nếu được thực hiện nghiêm túc, Nghị định 68 sẽ là một quyết định mang tính đột phá; một biện pháp bước ngoặt trong cuộc đấu tranh với tham nhũng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một quyết định đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.