Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một quyết định cần thiết

Huy Thịnh| 21/08/2010 06:21

(HNM) - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành quyết định phân loại đường phố, phân loại đoạn giao thông chính, phân loại các xã trên địa bàn để làm cơ sở thu thuế đất. Theo quyết định này, các tuyến phố thuộc khu vực quận nội thành, thị xã Sơn Tây, các xã giáp ranh ngoại ô, thị trấn, đường giao thông chính vào nội ô sẽ được phân ra làm 4 loại.

Trên cơ sở quyết định trên, có 170 tuyến đường và tuyến phố cùng với quốc lộ 1A đoạn thuộc huyện Phú Xuyên được phân loại 1. Loại tuyến phố hàng đầu này hiện diện chủ yếu ở quận trung tâm Hoàn Kiếm với 107 phố; tiếp theo là quận Ba Đình, Hai Bà Trưng với 23 và 18 đường phố. Các quận mới Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai, Thanh Xuân và quận cũ Đống Đa không có đường phố nào được xếp loại 1 trong khi các huyện ngoại thành Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thanh Oai, Thanh trì, Thường Tín, Từ Liêm, Ứng Hòa có ít nhất một đường loại 1. Cũng theo phân loại bước đầu trên đây, các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Long Biên không có loại 1 và 2, chỉ có đường phố xếp loại 3 và 4. Riêng quận Hà Đông và thị xã Sơn Tây chỉ thuần đường loại 4 với 66/66 và 19/19 tuyến đường phố. Cũng theo danh sách này, cả thành phố có 249 tuyến đường loại 2 trên địa bàn, chủ yếu ở các quận nội thành, còn lại là đường phố loại 3 và 4 ở các quận, huyện.

Quyết định nói trên cho đến thời điểm này là cần thiết, lẽ ra phải có từ lâu để bảo đảm tính quy hoạch cao và quản lý chặt chẽ đô thị khi làn sóng đô thị hóa trên địa bàn thủ đô diễn ra nhiều năm nay. Đương nhiên, người dân Thủ đô hiểu rằng, giờ đây việc nộp thuế đất và các quyền sử dụng đất, nhà ở sẽ không bị thu giống nhau như trước. Sẽ có người phải đóng thuế cao hơn và nếu sinh sống và kinh doanh trên tuyến đường phố loại 1 hẳn cao hơn đường phố loại 4. Và như thế mới dần đạt tới chỗ công bằng xã hội trên địa bàn - điều mà từ lâu nay nhiều người vẫn chưa đồng ý với cách tính thuế đất trước đây.

Có một thực tế dẫn tới nguyên nhân khó giải phóng mặt bằng thuộc các dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị mới là sự thiếu công bằng khi đền bù khi không phân định được sự phân loại đường phố. Nhiều hộ dân trước khi giải phóng mặt bằng sống ở đất mặt tiền, đến lúc tái định cư lại thấy mất vị trí tiện loại đã thắc mắc cách tính đền bù bởi so sánh với những người bỗng nhiên được ra mặt tiền đường phố mới mà không phải trả tiền cho vị trí đắc địa. Đây là hiện tượng dễ làm nảy sinh khiếu kiện, lại cũng làm thành phố thất thu, dân chúng suy bì…; thậm chí là nguyên nhân sinh ra nhà siêu méo, siêu mỏng. Nhiều dòng sông nhỏ, các kênh dẫn nước thải, do được thành phố cho phép cống hóa, đường phố hóa bỗng nhiên trở thành đường phố khang trang, dân cư ngụ hai bên bỗng nhiên "đổi đời" theo nghĩa đen của từ này, trở thành cư dân tổ dân phố mới có mặt tiền đẹp đẽ, dù trước đó không ít người do "nhảy dù" mà tới đây. Dẫu biết rằng phúc lợi thành phố có rót cho dân, dù nơi nào cũng là tốt, nhưng nếu không phân loại đường phố kịp thời thì dễ gây cảm giác mất công bằng và ngân sách đã bị thất thu đáng kể, bởi giá đất ở những nơi mương rãnh được đường hóa tăng gấp vài chục lần, giá trị đất và tiền thuế đất đã không được điều chỉnh hợp lý.

Chính vì thế, quyết định phân loại đường phố để phục vụ việc thu thuế đất cho công bằng là quyết định cần thiết để vừa tránh được thất thu ngân sách, vừa tạo sự công bằng trong việc thực hiện các sắc thuế của nhà nước ta. Đây cũng là cơ sở để góp phần làm minh bạch các quyết định khi giải phóng mặt bằng nhằm thực hiện đền bù chính sách các dự án mới, đồng thời làm tăng nghĩa vụ và động cơ đóng góp cho ngân sách thành phố đối với những hộ dân sinh sống và lao động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một quyết định cần thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.