(HNMO) - Sáng 29-3, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười một, dưới dự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ.
Trước khi bước vào phiên thảo luận, Quốc hội đã dành một phút tưởng niệm đồng chí Nguyễn Thanh Quang (sinh năm 1964), Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, đại biểu Quốc hội khóa XIV thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, do lâm bệnh nặng đã từ trần vào ngày 26-3.
Giữ vững sự ổn định để phát triển đất nước
Về nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) khẳng định, Chủ tịch nước đã thể hiện xuất sắc vai trò nguyên thủ quốc gia, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại và là biểu tượng của niềm tin, đoàn kết toàn dân tộc.
“Mỗi khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước xuất hiện ở đâu, người dân, cán bộ, đảng viên đều rất vui mừng, phấn khởi, được truyền cảm hứng mạnh mẽ, xây dựng tình cảm cách mạng, tạo sự đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân, và toàn quân. Phó Chủ tịch nước cũng đã thể hiện rất tốt vai trò, trách nhiệm của mình trước Quốc hội và nhân dân”, đại biểu Ngọ Duy Hiểu nói.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) nhận định, thành công lớn của Nhà nước trong nhiệm kỳ qua là đã tạo ra được sự ổn định trong toàn xã hội. “Một trong những lý do cơ bản để đạt được những kết quả trên là do chúng ta đã có một nhà nước vì dân, những đồng chí lãnh đạo vì dân”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
“Chính phủ đã làm việc rất đều tay trong nhiệm kỳ qua, nỗ lực không để ai bị bỏ lại phía sau...”, đại biểu Nguyễn Anh Trí khẳng định.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng nhấn mạnh, hình ảnh vì dân, việc làm vì dân, hành động vì dân của Chủ tịch nước, Chính phủ thể hiện rất rõ trong năm qua, trở thành động lực cho toàn dân tích cực hăng hái thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp) và một số đại biểu bày tỏ ấn tượng sâu sắc về một nhiệm kỳ thành công của Chính phủ trên tất cả các lĩnh vực.
“Tôi ấn tượng với Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt để phục vụ nhân dân; ấn tượng về một chính phủ với nhiều quyết tâm lớn, trong đó có quyết tâm xây dựng Chính phủ nói đi đôi với làm, gần dân, sát dân, quan tâm giải quyết kịp thời những vấn đề quan trọng, liên quan đến đời sống của nhân dân…”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nói.
Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Đoàn Ninh Thuận) đánh giá, ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt đôn đốc các bộ, ngành, thực hiện cắt giảm hàng trăm thủ tục hành chính rườm rà, gỡ bỏ các rào cản đang ngáng chân doanh nghiệp.
Nhận định trong nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã chủ động nắm bắt tình hình, chỉ đạo, điều hành sâu sắc, quyết liệt và đạt nhiều kết quả to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực, đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh) nhấn mạnh đến công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật đã được Chính phủ quyết tâm thực hiện, tháo gỡ kịp thời nhiều vướng mắc bất cập, điều chỉnh vấn đề mới đặt ra trong yêu cầu phát triển của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, nổi bật trong nhiệm kỳ qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Chính phủ cùng với hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giữ vững được sự ổn định trong nước. Bên cạnh đó, Chính phủ đã huy động được sức dân, tạo niềm tin trong nhân dân để chung sức chung lòng xây dựng đất nước.
Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn Phú Yên) nhận định, Chính phủ cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là do con người.
“Chính phủ đã bắt đúng “bệnh”, việc tiếp theo là điều trị bệnh chứ không chỉ thăm khám, kê đơn, điều trị triệu chứng”, đại biểu nói. Từ đó, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đề nghị, Chính phủ và các bộ, ngành dành nhiều thời gian để rà soát, đánh giá thực trạng chính sách thu hút nhân tài, sử dụng nhân lực, đội ngũ chuyên gia có thực chất, có hiệu quả hay không.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) đề nghị, Chính phủ quan tâm đến vấn đề thực hiện chủ trương huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển. Đại biểu cho rằng, nhìn lại cả nhiệm kỳ, việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển chưa đạt như kỳ vọng, trong đó nhiều dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư được chuyển sang sử dụng 100% vốn nhà nước như một số dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam, các dự án thuộc tuyến đường ven biển… Tỷ lệ đầu tư từ khối tư nhân thời điểm cao nhất chỉ đạt được 45,6% tổng vốn đầu tư.
“Vẫn biết đây là một vấn đề rất khó khăn, nhưng một chính phủ kiến tạo thì phải biết phát huy được sức mạnh tổng hợp, huy động được mọi nguồn lực, khơi dậy khát vọng phát triển trong mỗi người dân. Chính phủ phải làm được điều này mới đủ sức đi đường dài, phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của thế giới”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói.
Về phân cấp trong đầu tư công, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho biết, Luật Đầu tư công vừa sửa đổi năm 2019, đã giao thẩm quyền cho chính quyền địa phương trong quyết định dự án chi tiết để đưa vào danh mục, nhưng ngay khi áp dụng, nhiều địa phương đưa vào các dự án không đủ tiêu chí, hàng loạt dự án mới bổ sung trong khi đó nguồn lực ngân sách có hạn lại phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh. Điều này tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng tới các nhiệm vụ chính trị khác.
“Chính phủ cần rà soát, quán triệt đầy đủ tinh thần Luật Đầu tư công. Tránh vi phạm điều cấm là vượt quá sức chịu đựng của ngân sách nhà nước. Đồng thời, cần tuyệt đối tránh tư duy nhiệm kỳ trong việc phân bổ ngân sách”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) nêu ra 3 vấn đề Chính phủ cần quan tâm trong thời gian tới. Thứ nhất, nợ xấu, nợ công giảm mạnh, đây là dư địa để tăng trưởng trong thời gian tới trong bối cảnh phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Thứ hai, kết quả nhập siêu tích cực nhưng còn một số vấn đề cần lưu ý như nhập siêu với các nước trong khu vực… Thứ ba là cần đột phá thể chế, chuyển đổi phương thức quản lý mạnh mẽ trên cơ sở chuyển đổi số…
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) cũng nêu ra một số hạn chế lớn để Chính phủ xem xét, trong đó nông nghiệp phát triển chưa bền vững; phát triển công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; quản lý tài nguyên, đất đai công sản còn có những sai lầm ở một số nơi do những bất cập về pháp luật đất đai...
Chiều nay (29-3), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.