(HNM) - Nếu trước đây chỉ những nhân lực cao cấp mới nghĩ đến chuyện chuyển công việc từ cơ quan này sang cơ quan khác với mức lương cao hơn, vị trí xứng đáng hơn thì hiện nay, hiện tượng này đang xảy ra phổ biến cả với những lao động phổ thông. Tư tưởng ở đâu lương cao là đi, bất chấp sự ổn định của công việc dường như luôn thường trực trong nhiều lao động trẻ.
Sự thay đổi công việc hiện nay xảy ra nhiều nhất là ở các cử nhân mới ra trường. Nhiều sinh viên năng động đã có ngay vị trí làm việc với mức lương khá ổn định từ kỳ thực tập năm cuối của mình. Chính vì vậy, sau khi nhận bằng tốt nghiệp, họ sẵn sàng đòi hỏi cơ sở cũ đó phải trả cho họ mức lương cao hơn. Có công ty đã chấp nhận ký hợp đồng dài hạn ngay sau khi "nhân viên thực tập" của họ có bằng tốt nghiệp, nhưng đó chỉ là những trường hợp hãn hữu, bởi vậy xu hướng "nhảy việc" luôn xảy ra. Rất nhiều doanh nghiệp (đa số là doanh nghiệp nhà nước) sau khi hứa hẹn với nhân viên mới thử việc 3 tháng, 6 tháng sẽ ký hợp đồng chính thức. Nhưng thực tế, có khi đến vài lần "3 tháng, 6 tháng" mà vẫn "bặt vô âm tín".
Hiện nay, nhiều cử nhân trẻ khi đã vào làm việc, học hỏi được kinh nghiệm nghề nghiệp, tìm tòi khai thác được nhiều mối quan hệ khác, họ đã sẵn sàng ra đi đến nơi mà họ sẽ được ký hợp đồng chính thức và tăng lương. Đối với các công việc phổ thông như bán hàng thuê, giúp việc gia đình… tư tưởng "nhảy việc" cũng khá phổ biến, nhất là sau dịp Tết những người nhận làm các công việc này thường không trở lại cơ sở cũ mà đi tìm chỗ làm mới.
Ông Vũ Trung Chính, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết, thời điểm nào cũng có lao động "nhảy việc" từ phổ thông đến cao cấp. Nhiều doanh nghiệp đã quá quen với tình trạng này nên thường xuyên thông báo tuyển dụng hoặc đăng ký trước với các trung tâm giới thiệu việc làm và việc tìm kiếm lao động mới cũng dễ dàng hơn. Nhưng với một số cơ sở buôn bán nhỏ, hay một số văn phòng thì tìm được người thay thế không phải là việc một sớm một chiều. Ông Chính cũng cho biết thêm, tháng 3 mới có phiên giao dịch việc làm đầu tiên của năm 2010 nhưng trước đó 2 tháng các doanh nghiệp đã đăng ký giao dịch rất nhiều vì họ phải tìm thêm người để bù đắp cho số lao động đã bỏ công ty. Và đến phiên giao dịch ngày 10-3-2010, số lao động được tuyển dụng đã đông hơn dự kiến. Hầu hết lao động trúng tuyển là các vị trí lao động phổ thông.
Đại diện Công ty CP Tư vấn giải pháp truyền thông số Việt Nam cho rằng, để giữ được chân nhân viên thì doanh nghiệp cần phải cho nhân viên biết họ đang ở vị trí nào, phúc lợi của họ ra sao, có quá cao hay quá thấp so với thị trường hay không? Theo một số giám đốc nhân sự khác, thì đối với những lao động giỏi việc, doanh nghiệp cần phải đầu tư. Không nên tiếc tiền mà hãy trả lương xứng đáng. Họ cảnh báo điều lo ngại nhất là người tài ra đi có thể kéo theo các đồng nghiệp có kinh nghiệm khác, thậm chí cả khách hàng liên quan đến kinh doanh.
Tìm được một chỗ làm ưng ý để gắn bó lâu dài hiện nay là nguyện vọng chính đáng của nhiều người lao động. Tuy nhiên, không hài lòng với công việc, thu nhập, thích di chuyển đã trở thành căn bệnh khó chữa của nhiều lao động trẻ. Bởi ở đâu cũng có những bất cập, bất đồng và quan trọng là mỗi người phải tự cảm thấy hài lòng và học cách phù hợp với công việc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.