Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một nhà báo dũng cảm

Đức Luân| 30/08/2014 06:44

(HNM) - Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã kết luận, đoạn video mà Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng công bố về vụ hành quyết nhà báo Mỹ James Foley hôm 19-8 là xác thực.

James Foley mất tích từ hồi năm 2012 khi đang tác nghiệp tại Syria.


Sinh năm 1974, Foley lớn lên tại bang New Hampshire và theo học lịch sử tại Trường Đại học Marquette (bang Wisconsin), rồi sau đó đi dạy tại Arizona, Massachusetts và Chicago trước khi đổi sang nghề báo. Foley xem bước ngoặt này như một định mệnh. Anh đã có mặt tại nhiều vùng chiến sự ở Trung Đông, bao gồm Syria, Libya và Iraq. Trong mắt đồng nghiệp, Foley là một nhà báo nhiệt tâm, từng tuyên bố sẵn sàng phụ trách tin trong nước, miễn là được làm công việc anh yêu thích, đó là nghề báo. Trong một phỏng vấn với BBC năm 2012, Foley nói về động cơ khi làm công việc tường thuật các cuộc xung đột: "Tôi bị cuốn vào sự kịch tính của xung đột và tôi tìm cách khám phá những câu chuyện chưa được kể. Có bạo lực, cực đoan nhưng cũng có ý nguyện tìm hiểu xem những con người ở đây thực sự là ai... Tôi cho đây là điều thực sự hấp dẫn". Trước khi bị bắt cóc tại Syria, Foley cũng đã từng bị bắt cóc ở Libya, bị giam cầm suốt 6 tuần lễ. Khi được thả khỏi Libya và quay trở về Mỹ, anh đã thuật lại cho Hãng thông tấn AP chuyện đã thấy một đồng nghiệp, phóng viên ảnh Nam Phi Anton Hammerl, bị sát hại bởi lực lượng trung thành với cố lãnh đạo Muammar Gaddafi. Dù từng đưa tin về cuộc chiến ở Afghanistan, nhưng Foley cho rằng cuộc xung đột tại Libya đạt đến mức tồi tệ nhất mà anh từng được thấy.

Ngày 22-11-2012, trong khi đang tác nghiệp tại tỉnh Idlib, miền Bắc Syria, phóng viên yêu nghề này và một đồng nghiệp đã bị các tay súng giấu mặt bắt cóc. Một số nhà báo Pháp được Tổ chức Nhà nước Hồi giáo thả tự do hồi đầu năm nay cho biết họ đã bị giam cùng Foley trong nhiều tháng. Nhà báo Didier Francois nói với Đài Phát thanh Europe 1 Pháp rằng ông chính là một trong số người ở cùng nhà giam với Foley: "Foley là bạn tù tốt trong trại giam vì anh ấy luôn quan tâm đến mọi người. Foley có lòng can đảm tuyệt vời". Francois kể lại, Foley luôn quan tâm tới người khác từ mọi điều rất đơn giản như thường xuyên hỏi xin thêm bánh mì cho bạn tù. Francois cũng nói những kẻ bắt cóc luôn bắt tù nhân thực hiện những cuộc hành quyết giả và Foley cũng từng bị ép vào tường như thể đang bị đóng đinh.

Trước khi ra tay hành quyết nhà báo Mỹ Foley, những tên khủng bố thuộc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã đòi số tiền chuộc khổng lồ lên đến 132,5 triệu USD. Một quan chức của Global Post, tờ báo nơi Foley làm việc tại thời điểm bị bắt cóc, cho hay đã không có bất cứ cuộc đàm phán nào chính thức được diễn ra. Trong khi đó, theo Reuters, Lầu Năm Góc chính thức công bố vụ giải cứu bất thành các con tin bao gồm cả nhà báo Foley vào ngày 20-8, sau khi chính quyền Tổng thống Barack Obama hứng chịu chất vấn dữ dội từ dư luận và giới chính khách rằng liệu Washington có làm đủ mọi cách để cứu lấy mạng sống của Foley hay không. Sứ mệnh giải cứu tập hợp hàng chục biệt kích của quân đội Mỹ, bao gồm lực lượng Delta Force và Trung đoàn Không vận số 160. Được biết, chiến dịch có sự tham gia của các trực thăng Black Hawk, chiến đấu cơ và máy bay không người lái có vũ trang. Tuy nhiên, chiến dịch do Tổng thống B.Obama phê chuẩn đã thất bại bởi không có con tin nào được tìm thấy tại địa điểm xác định trước đó.

Cái chết của nhà báo Foley đã gây nên niềm thương cảm sâu sắc với cả những người không quen biết anh. Điều đó cũng gợi lại những ký ức kinh hoàng về các vụ bắt cóc, chặt đầu con tin tại Iraq cách đây nhiều năm và cho thấy sự cấp thiết của việc phải loại bỏ nhóm khủng bố tàn độc mang tên Tổ chức Nhà nước Hồi giáo. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một nhà báo dũng cảm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.