(HNM) - Trước bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng ngày càng tăng cao, hơn lúc nào hết, 29 quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội đang dồn sức thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Cấp ủy, chính quyền tăng cường đôn đốc, kiểm tra; còn đội ngũ cán bộ, công chức làm việc với tinh thần trách nhiệm cao hơn.
Người dân chọn mua hàng bình ổn giá tại Hapro mart. Ảnh: Linh Tâm
Hơn một tháng qua, triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ (từ ngày 17-3), UBND quận Thanh Xuân ráo riết chỉ đạo 5 giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Chủ tịch UBND quận Hoàng Công Hồng cho biết, từ các cuộc họp của quận đến phường đều "nóng" việc kiềm chế lạm phát. Cách làm có thể khác nhau nhưng đều chung mục đích giảm chi, nhất là các khoản không cần thiết để chăm lo đời sống nhân dân và người lao động (NLĐ).
Phương châm "cán bộ chủ chốt làm gương" được áp dụng tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc quận. Để làm gương, quận Thanh Xuân đã tạm dừng việc trang bị mới xe ô tô, máy điều hòa nhiệt độ; giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng xe, kiên quyết không bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chưa cấp bách. Các phòng, ban, phường… đều đăng ký tiết kiệm 10% chi thường xuyên của những tháng còn lại của năm 2011. Tránh làm hình thức, qua loa và để chương trình hành động thực sự ''ngấm'' đến cơ sở, Chủ tịch UBND quận yêu cầu trưởng các cơ quan, đơn vị, cán bộ chủ chốt 11 phường phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra hiện tượng lãng phí. Thật phấn khởi, chỉ sau hơn một tháng áp dụng các biện pháp tiết giảm, số tiền quận Thanh Xuân tiết kiệm được lên tới 5 tỷ 357 triệu đồng.
Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch quận Khổng Minh Thảo chia sẻ, phòng cùng với Chi cục Thuế đã tham mưu cho UBND quận không bổ sung kinh phí cho việc chưa thực sự cấp bách, đồng thời triển khai các biện pháp chống thất thu nhằm tăng thu ngân sách, phấn đấu năm 2011 đạt trên 2.000 tỷ đồng. Thanh Xuân cũng đã ngừng, đình hoãn, giãn tiến độ 10 công trình trên địa bàn. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý, kiểm tra, phát hiện 6 vụ, phạt hành chính hơn 13 triệu đồng các hành vi buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ nâng giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu…
Cùng với quận Thanh Xuân, quận Hoàn Kiếm đã triển khai đồng bộ 5 nhóm giải pháp, trong đó quan tâm giúp các thành phần kinh tế phát triển sản xuất, kinh doanh; tiết kiệm thu chi ngân sách, rà soát, cắt giảm các dự án đầu tư từ ngân sách. Lực lượng chuyên môn của quận đã tăng cường kiểm tra 170 cửa hàng kinh doanh vàng, ngoại tệ nhằm bảo đảm hoạt động này diễn ra đúng pháp luật. Quận Tây Hồ chú trọng đẩy nhanh tiến độ các công trình dân sinh bức xúc, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ sự nghiệp giáo dục đào tạo; đồng thời kiên quyết xử lý các vụ việc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Ngoài tiết kiệm chi thường xuyên 10%, huyện Hoài Đức đã cắt giảm và điều chuyển vốn 5 công trình xây dựng cơ bản (do TP và huyện quản lý) với tổng số vốn trên 30 tỷ đồng; giãn tiến độ thi công 2 công trình gần 12 tỷ đồng do cấp xã quản lý…
Bảo đảm an sinh xã hội
Cùng với thực hành tiết kiệm, bảo đảm an sinh xã hội đang là mối quan tâm lớn của 29 quận, huyện trong thời điểm này. Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Thanh Xuân Trần Thu Hà cho biết, để thực hiện mục tiêu quan trọng theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ, Phòng đã rà soát toàn bộ hơn 2.000 đối tượng chính sách, 497 hộ nghèo và 544 hộ cận nghèo. Trên cơ sở đó, tham mưu cho UBND quận chi trả tiền trợ cấp cho 614 đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền hơn 675 triệu đồng; giúp 40 hộ nghèo vay 800 triệu đồng để sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, Phòng còn tư vấn và giải quyết việc làm cho 1.300 lao động, hướng dẫn 292 hộ nghèo làm thủ tục hưởng chế độ hỗ trợ tiền điện hằng tháng theo quy định của Chính phủ. Phường Nhân Chính cũng đặc biệt quan tâm đến các hộ chính sách có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo bằng nhiều việc làm thiết thực như, trợ cấp, thăm hỏi, tặng quà, liên hệ với các đơn vị chức năng, DN để giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn...
Đặc biệt chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người lao động, mới đây, huyện Thạch Thất đã gặp mặt 208 lao động từ Libya về nước để trợ cấp kinh phí và tư vấn, giúp đỡ NLĐ tìm việc làm mới, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Các huyện Hoài Đức, Mê Linh, Chương Mỹ… cũng tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NLĐ. Sự nỗ lực của các quận, huyện đã giúp TP chăm lo tốt hơn cho NLĐ, hộ nghèo, gia đình chính sách... Chỉ tính trong quý I năm nay, toàn TP đã giải quyết việc làm cho 25.250 lao động (đạt 18,4% kế hoạch); xét duyệt 12 dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm với số tiền 14,8 tỷ đồng... TP còn giải quyết chế độ ưu đãi người có công cho gần 8.000 trường hợp; cấp thẻ BHYT cho 289.720 người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; trợ cấp hàng tháng cho hơn 75.000 đối tượng chính sách (chưa kể việc bổ sung 140 tỷ đồng vào nguồn vốn cho hộ nghèo, cận nghèo).
Tám tháng cuối năm đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho các ngành, các cấp, địa phương, nhất là trong bối cảnh chỉ số tiêu dùng tháng 4 tăng ở mức rất cao (TP tăng 3,28%). Thách thức đó đòi hỏi 29 quận, huyện, thị xã cần phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục sát cánh cùng các sở, ngành của TP đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tiết kiệm năng lượng, quyết liệt kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết 11 của Chính phủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.