(HNM) - Nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) trên địa bàn thành phố không chỉ xuống cấp, ô nhiễm mà còn có tình trạng nơi thừa, nơi thiếu. Việc quy hoạch cải tạo, xây mới NVSCC là hết sức cần thiết. Và mô hình thí điểm xã hội hóa đầu tư xây dựng NVSCC tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm có thể xem là một giải pháp.
Nhà vệ sinh công cộng đặt ven Hồ Gươm, bên ngoài được thiết kế như một cửa hàng tạp hóa. |
NVSCC tại khu vực trung tâm thành phố được đầu tư và có nhân viên trông coi thì ở nhiều nơi khác vừa thiếu, vừa mất vệ sinh. Trên phố Nguyễn Văn Huyên, NVSCC gần Công viên Nghĩa Đô được người dân "trưng dụng" chứa đồ, bán nước, còn ở Cổ Nhuế, Ba La… đã bị "bỏ quên" từ lâu. Thiết bị vệ sinh, bồn cầu, bồn rửa tay hoen gỉ, nước đóng cặn, bốc mùi xú uế. NVSCC trên phố Quán Sứ chỉ hoạt động vào giờ hành chính, sau đó cửa khóa chặt, còn ở các phố Thái Hà, Huỳnh Thúc Kháng, Tôn Đức Thắng, Đê La Thành… tìm đỏ mắt cũng không thấy.
Trên địa bàn thành phố có 340 NVSCC, trong đó 236 nhà xây cố định phân bố trong các ngõ, xóm, khu tập thể cũ và 104 nhà bằng thép đặt trên đường phố, nơi vui chơi giải trí, điểm chờ xe buýt. Các NVSCC này được bố trí không đồng đều, dẫn đến nơi thừa, nơi thiếu. |
Các trung tâm thương mại, dù có nhà vệ sinh nhưng không phải lúc nào cũng đáp ứng đủ nhu cầu. Chị Lê Minh Ngọc, nhân viên Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội chia sẻ: "Đưa con đến siêu thị AEON Long Biên, lúc gửi xe thì cháu muốn đi vệ sinh mà tìm mãi không thấy một NVSCC nào. Tôi nghĩ, các trung tâm thương mại đông người nên bố trí nhiều NVSCC, có chỉ dẫn tiện lợi cho khách dễ nhận biết".
Ông Vũ Cường, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết: Nhiều NVSCC trước đây ở các khu dân cư không còn sử dụng, xuống cấp, không ai trông nom. Do đó, công ty và quận Hoàn Kiếm đã thí điểm cải tạo theo hình thức xã hội hóa. Tầng 1 vẫn sử dụng làm NVSCC, tầng 2 và 3 bố trí làm địa điểm sinh hoạt cộng đồng của khu dân cư. Từ mô hình thí điểm thành công tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, URENCO đã kiến nghị Sở Xây dựng đề xuất với thành phố cải tạo, sửa chữa những NVSCC cũ, đã xuống cấp theo hướng này. "Trong đó có khoảng 20 NVSCC mặt phố, dành tầng 2, 3 làm điểm tuyên truyền về môi trường, nhà văn hóa, giới thiệu các hoạt động quảng bá cho Hà Nội. Khoảng 57 nhà vệ sinh trong ngõ có diện tích lớn hơn từ 30m2, giao cho URENCO phối hợp với UBND các quận để đầu tư và sử dụng làm nhà vệ sinh kết hợp với nhà sinh hoạt cộng đồng…" - ông Vũ Cường cho biết thêm.
Cũng theo ông Vũ Cường, việc làm NVSCC tại các trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng lớn cần được quy hoạch ngay từ đầu. Mô hình NVSCC 5 sao, hoàn toàn miễn phí của Đà Nẵng rất đáng để học tập. Kinh phí xây dựng những NVSCC này có sự đóng góp của các khách sạn, nhà hàng trên địa bàn. Các nhà vệ sinh có người dọn dẹp, trông coi nhưng không thu phí, người dân có thể tùy ý bỏ tiền vào các hộp làm bằng kính đặt phía trước các nhà vệ sinh. Cùng với đó, việc hàng chục nhà hàng, khách sạn, showroom, quán cà phê… đồng loạt dán lôgô hình mặt cười với dòng chữ bằng hai thứ tiếng Việt - Anh: "Thoải mái như ở nhà - comfort at home" giúp du khách dễ dàng nhận biết khi tới những nơi chưa có NVSCC.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đồng Phước An, Sở này đang rà soát hiện trạng cũng như việc quản lý, duy trì các NVSCC. Từ đó đề xuất đầu tư xây dựng bổ sung hoặc chuyển mục đích sử dụng theo nhu cầu thực tế của địa phương. Những mô hình xã hội hóa chính là hướng giải quyết tình trạng nơi thừa, nơi thiếu NVSCC hiện nay. Và giải pháp căn cơ hơn chính là việc tạo cơ chế và quy định rõ ràng về việc xây dựng các NVSCC đối với các dự án trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.