Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một mai nét Huế có còn?

Minh Ngọc| 15/04/2012 06:41

(HNM) - Nhìn lại các hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi động trong mùa festival lần thứ 7 có thể thấy Festival Huế ngày càng khẳng định được thương hiệu, góp phần đưa di sản văn hóa, tiềm năng du lịch Huế nói riêng, cả nước nói chung hội nhập và lan tỏa cùng văn hóa thế giới.

Đưa nghệ thuật đến gần dân hơn

Với nghệ thuật, mỗi người có một sự cảm nhận, đánh giá khác nhau, vậy mà khi xem các chương trình nghệ thuật trong Festival Huế, hầu hết mọi người đều ngỡ ngàng, thích thú bởi sự dàn dựng công phu, sân khấu hoành tráng, nội dung nhân văn, gần gũi, vừa tôn vinh được giá trị văn hóa các vùng miền của Việt Nam, vừa kết hợp một cách khá hài hòa với văn hóa truyền thống của nhiều nước trên thế giới. Yếu tố này đưa Festival Huế vượt ra khỏi phạm vi lễ hội mới của một địa phương thành lễ hội nghệ thuật lớn của đất nước, được đông đảo người dân quan tâm, bạn bè quốc tế biết đến.

Biểu diễn nghệ thuật tại Festival Huế 2012. Ảnh: Đại Thắng


Ngay từ chương trình khai mạc, các tiết mục nghệ thuật đã có sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn, khéo léo giữa văn hóa khu vực Bắc miền Trung với văn hóa cả nước, giữa văn hóa Việt Nam với văn hóa của 25 quốc gia khác trên thế giới. Tiếp đó, "Đêm hội Phương Đông" diễn ra tại Điện Thái Hòa vào các tối 8, 10, 12 và 13-4 đã kết hợp một cách hoàn hảo, nhuần nhuyễn từ trang phục, âm nhạc tới nét sinh hoạt văn hóa giữa các quốc gia Phương Đông như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nên dù không phải là "món mới", "Đêm hội Phương Đông" vẫn thu hút hàng nghìn lượt người mua vé vào xem. Để lại ấn tượng đặc biệt cho du khách còn là lễ hội sân khấu hóa "Thiên hạ thái bình", một trong hai lễ hội mới của festival năm nay. Trên dòng nước Hương Giang, phong tục, tập quán, nét sinh hoạt văn hóa của người dân Huế được giới thiệu một cách khéo léo thông qua hình ảnh người dân lao động cần mẫn chèo thuyền, quăng lưới bắt cá, kĩu kịt gồng gánh đi chợ… Ngoài ra, các hoạt động văn hóa cộng đồng diễn ra đồng thời ở nhiều địa điểm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã góp phần đưa nghệ thuật đến gần dân hơn.

Những hạt sạn không đáng có

Ngày 7-4, sau khi ra mắt công chúng được vài giờ, họa sỹ Đinh Khắc Thịnh sững sờ khi thấy tác phẩm sắp đặt "Nguồn thơ" được làm từ hơn 1.800 con chữ xốp, treo đính chuỗi trên những sợi cước của ông trưng bày tại Nhà kèn trong Công viên 3-2 phục vụ cho Festival Thơ bị phá tan tành. Phục vụ công chúng, họa sỹ cùng các cộng sự đã dựng lại tác phẩm vào ngày 8-4, nhưng do thời gian gấp rút, chất liệu không đủ nên chất lượng tác phẩm không được như ban đầu khiến cả tác giả và người xem đều bức xúc. Một ví dụ khác là "Đêm Hoàng cung" diễn ra trong khu vực Đại Nội vào tối 10 và 13-4 tuy rất hoành tráng, lung linh nhưng vẫn còn những điều chưa đẹp. Dù "Đêm Hoàng cung" diễn ra trên một trục khá rộng, nhiều hoạt động nhưng không có chỗ nghỉ và thay y phục cho diễn viên khiến họ phải đứng ngồi nhốn nháo ngay tại hành lang gần sân khấu Duyệt Thị Đường chờ đến lượt biểu diễn. Vì sự bố trí chưa hợp lý này mà hình ảnh vị vua uy nghi nơi chính điện cùng những câu chuyện về triều Nguyễn bị tiếng ồn ào lấn lướt, không để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả. Tham dự "Đêm Hoàng cung", anh Kareyce Fotso, du khách đến từ Bỉ cho hay: "Tiệc cung đình rất ngon, chương trình sân khấu hóa tái hiện cuộc sống trong cung cấm triều Nguyễn rất tuyệt, nhưng ồn ào quá". Hơn thế, một số chương biểu diễn nghệ thuật đường phố, chương trình hội thảo đã được BTC lên lịch, in và phát hành sau có sự thay đổi nhưng BTC không thông báo lại, gây bức xúc cho người dân.

Đông đảo du khách vào dự “Đêm Hoàng cung”. Ảnh: Đại Thắng

Một mai nét Huế có còn?

Festival trở thành thương hiệu của xứ Huế. Càng có kinh nghiệm tổ chức các hoạt động nghệ thuật của festival, thì dường như, vẻ "hương đồng gió nội" của Huế càng bay đi ít nhiều. Đường phố Huế bây giờ đông không kém Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là mấy, cuộc sống dân dã cũng không còn. Chỉ vài năm trước thôi, Huế không có hàng quán nào mở cửa sau 22 giờ thì nay đã có những cửa hàng bán thâu đêm suốt sáng. Lực lượng xe ôm, bán hàng rong cũng đã biết chèo kéo khách ở mọi chỗ, mọi nơi. Nhà nghỉ, khách sạn lợi dụng khách đông tăng giá phòng vô tội vạ, mặc dù trước kỳ festival, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quy định hệ thống dịch vụ lưu trú không được tăng giá. Đơn cử như nhà nghỉ 24/24 giờ ở số 16, đường Hai Bà Trưng, ngày thường chỉ cho thuê với giá 100-150 nghìn đồng/phòng mỗi ngày thì trong kỳ festival, giá phòng đã tăng lên 250 nghìn đồng. Quán gà nướng Hiền trên vỉa hè đường Mai Thúc Loan lúc nào cũng có vài đứa trẻ năn nỉ mời khách mua hàng, khách không mua chúng quay sang xin đồ ăn của khách.


Cùng với mối lo về xu hướng xô bồ ở Huế thì mỗi kỳ festival qua đi, người dân đến Huế còn lo lắng cho sự xuống cấp của di tích. Vào xem "Đêm Hoàng cung", "Đêm hội Phương Đông" trong khu vực Đại Nội, nhiều người không ngần ngại đứng lên tường, trèo lên cột để xem cho rõ, không chỉ làm mất mỹ quan mà còn ảnh hưởng đến di tích.

Cứ đà này chỉ một vài kỳ festival nữa thôi, nét thanh bình, lãng mạn, mộng mơ của cảnh vật Huế, sự thân thiện, chân tình, hiếu khách của người dân Huế liệu còn giữ được nữa không? Nếu không còn thì du lịch Huế sẽ đi về đâu bởi vẻ đẹp ẩn chứa sâu trong lòng di sản Huế mới là đặc sản của du lịch chứ không phải là các chương trình nghệ thuật phô diễn trong mỗi kỳ festival.

Khách du lịch quốc tế tăng đột biến


Gắn với Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ, Festival Huế năm 2012 thu hút lượng khách đến Huế đông nhất từ trước đến nay. Đến ngày 14-4, khách du lịch đến Huế là hơn 14 vạn người, trong đó có hơn 6 vạn lượt khách quốc tế (tăng hơn 3 lần so với festival năm 2010). Hệ thống các khách sạn, nhà nghỉ ở Huế đạt công suất sử dụng buồng phòng lên đến hơn 80%, có thời điểm đạt hơn 91%, nhưng không xảy ra tình trạng "cháy" khách sạn.

BTC dự kiến, Festival Huế 2012 sẽ đón gần 20 vạn lượt khách trong nước, quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một mai nét Huế có còn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.