(HNM) - Khi nghe nhiều người nói dân tộc ta có truyền thống vô cùng vẻ vang và tinh hoa của truyền thống vẻ vang đó là lòng yêu nước, tôi rất đồng tình. Nhưng có một điều cứ lấn bấn: nói truyền thống văn hóa của người Việt Nam kết tinh ở lòng yêu nước thì đúng rồi, nhưng dân tộc nào chẳng có lòng yêu nước?
Mất rất nhiều năm tìm cách lý giải mà vẫn chưa thấy thỏa đáng, cuối cùng, từ bỏ những khái luận, tôi chọn một sự kiện, đó là Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao mang giá trị tượng trưng là khi lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) tung bay trên Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4 để từ đó mà suy. Dần dần, ngày càng sáng ra nhiều điều...
Đã hơn nửa thế kỷ nhưng ký ức về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ còn nguyên tươi mới. Ngày đó, với chiến thắng Điện Biên "chấn động địa cầu" và với cục diện trên khắp các chiến trường suốt từ Nam chí Bắc, ta đang trong thế tiến công như chẻ tre, địch co cụm bị động và tan rã ý chí, ai cũng nghĩ ngày đất nước sắp sạch bóng quân thù, Bắc-Nam một dải cùng dắt tay nhau xây dựng hòa bình đã đến rất gần. Nhưng rồi Hiệp định Geneve được ký kết. Đất nước bị chia cắt ở vĩ tuyến 17. Đang trong thế thắng, hàng triệu người phải chôn giấu súng, cắn răng phần đi tập kết, phần rút vào bí mật, nhường lại vùng giải phóng cho địch. Người gạt nước mắt ra miền Bắc, người ở lại bị tù đày, tàn sát, trả thù dã man. Máy chém lê khắp hang cùng ngõ hẻm, hàng chục người bị giết tập thể ở đập Vĩnh Trinh, hàng nghìn người bị đầu độc ở nhà tù Phú Lợi, không biết bao nhiêu người chết trong nhà ngục Chín Hầm hoặc vùi thây dưới gốc cam nhà Ngô Đình Cẩn. Ký Hiệp định Geneve, phải chấp nhận đất nước chia cắt là một nỗi đau lớn của hàng triệu con người và nếu không có lòng yêu nước, lòng yêu nước Việt Nam, sẽ khó có sự nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Geneve, khó có sự tin tưởng tuyệt đối cùng sự nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh của Đảng, của Bác Hồ như thế. Biết bao nhiêu câu chuyện cảm động không thể quên, từ nắm đất, hạt vú sữa, cây dừa miền Nam gửi ra miền Bắc với lời dặn dò: "Con ra thưa với Bác Hồ. Đất này chỉ một ngọn cờ vàng sao" đến hình ảnh Bác Hồ đặt tay lên ngực trái, lau nước mắt: "Miền Nam trong trái tim tôi" là những biểu hiện cụ thể của lòng yêu nước Việt Nam từ mỗi trái tim Việt Nam.
Chấp nhận tạm lùi, hòa nhưng không ngừng thế tiến công. Năm 1960, từ đốm lửa Bến Tre, phong trào Đồng khởi bùng lên, phá tan ách kìm kẹp ấp chiến lược "tách cá khỏi nước", làm tan rã hàng loạt đồn bốt địch, buộc Mỹ - ngụy phải tiến hành chiến tranh đặc biệt trong thế bị động chiến lược. Rồi từ đó, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Cục miền Nam, MTDTGPMNVN phong trào yêu nước của nhân dân ta ào ạt dâng cao như nước vỡ bờ. Trong suốt 21 năm ròng rã, với sự chi viện tích cực của miền Bắc, nhân dân ta đã lần lượt đánh tan chiến lược chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ (với sự tham chiến trực tiếp của 650.000 quân Mỹ), Việt Nam hóa chiến tranh (thực chất là "thay màu da của xác chết") ở miền Nam; đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân vô cùng ác liệt ở miền Bắc mà đỉnh cao là cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B.52 trên bầu trời Hà Nội tháng 12-1972, được coi là trận đọ sức lịch sử "Điện Biên Phủ trên không", buộc kẻ thù phải ký Hiệp định Paris, rút quân Mỹ về nước. "Đánh cho Mỹ cút" cục diện mới trên chiến trường xuất hiện, bước tiếp theo là "đánh cho ngụy nhào" kết thúc chiến tranh trong toàn thắng. Để có cục diện đó, hàng triệu người Việt Nam đã hy sinh, hàng chục vạn thanh niên đã anh dũng ngã xuống trên khắp các chiến trường với nhiều địa danh mãi mãi hằn sâu trong lịch sử đất nước như Thành cổ Quảng Trị, Đường 9 - Nam Lào, Đắc Tô - Tân Cảnh, Rừng Sác, Củ Chi... Lịch sử cũng mãi mãi ghi ơn hàng vạn người đã ngã xuống trong cuộc đối đầu với không quân của Mỹ trên miền Bắc. Chiến thắng giặc Mỹ xâm lược với tiềm lực kinh tế, quân sự khổng lồ. Chiến thắng đội quân 650.000 lính, có hàng nghìn máy bay, tàu chiến yểm trợ, vũ khí, khí tài hiện đại trang bị đến tận răng là điều đến bây giờ, nhiều người vẫn chưa hiểu nổi. Chiến công đó chỉ có thể là kết quả của lòng yêu nước được kết tinh từ truyền thống đánh giặc giữ nước trong sâu xa lịch sử. Hàng chục vạn hài cốt chưa quy tập được, còn nằm giữa sông nước, giữa rừng Trường Sơn, hàng vạn ngôi mộ không tên trong các nghĩa trang. Họ là các liệt sĩ vô danh, hậu duệ của biết bao thế hệ liệt sĩ vô danh ở Bạch Đằng, ở Ngọc Hồi - Đống Đa, ở các biệt đội Hoàng Sa một đi không trở lại.
Chiến thắng 30-4-1975 cũng là kết quả của trí thông minh, sáng tạo, phát hiện nhanh và biết chớp lấy thời cơ, đẩy đối phương vào thế bị động, tan rã. Bài học bí mật, bất ngờ từng nhiều lần làm nên chiến thắng là một đặc trưng của lòng yêu nước Việt Nam. Để có chiến thắng 30-4-1975, từ những năm trước, một cuộc chuẩn bị toàn diện trên khắp các mặt trận đã diễn ra trong bí mật tuyệt đối mà bí mật nhất là ý đồ chiến lược. Khi thời cơ đến: Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Thần tốc, thần tốc hơn nữa, nói như Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo: Trận gió thu quét sạch lá vàng. Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ khiến kẻ thù và nhiều thế lực khác không kịp trở tay. Bí mật, bất ngờ là bí quyết để lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều, một thế ngặt nghèo mà chúng ta thường phải rơi vào trong những cuộc kháng chiến chống xâm lăng. Nếu không có lòng yêu nước, cả nước đồng lòng, trong ngoài như một, giữ được bí mật, bất ngờ đến phút chót thì sẽ không có ngày toàn thắng, điều đó có lẽ đúng. Ngày toàn thắng là kết quả của hơn ba thập kỷ cả dân tộc không sợ hy sinh, gian khổ, xương chất thành núi, máu chảy thành sông vì độc lập, tự do, không tình cờ, hú họa.
Chiến tranh lùi xa, có người không biết lúc ấy ở đâu, bây giờ lớn tiếng rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta là cuộc nội chiến, là cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Không! Họ không thể xuyên tạc được lịch sử! Không thể có chiến thắng 30-4-1975 nếu không có lòng yêu nước, không có ý chí thống nhất của hàng chục triệu người Việt Nam ở cả hai miền Nam - Bắc, thà hy sinh xương máu chứ nhất quyết không để đất nước bị chia cắt trong nanh vuốt kẻ thù.
Lịch sử loài người đã có hàng nghìn cuộc chiến tranh và chắc không chỉ dừng lại ở đó. Trong các cuộc chiến tranh đó, có cuộc chiến không thể tránh được, có cuộc chiến lẽ ra có thể tránh được. Cuộc chiến tranh 30 năm ở Việt Nam, chống thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ là cuộc chiến tranh buộc phải chấp nhận vì không thể tránh được. Trong hàng nghìn cuộc chiến tranh đã diễn ra thì cuộc chiến tranh Việt Nam là một trong số rất ít cuộc chiến tranh kỳ lạ nhất thế giới vì đó là cuộc chiến tranh dài nhất, cuộc chiến tranh ác liệt nhất, cuộc chiến tranh kết thúc bằng chiến thắng vĩ đại nhất. Đó là cuộc chiến tranh cả thế giới phải kinh ngạc và khâm phục vì một nước nhỏ lại dám đánh và đánh thắng hai đế quốc khổng lồ, trong đó đế quốc Mỹ là một thế lực quân sự chưa từng thua ở đâu. Tác giả của chiến thắng vĩ đại đó là lòng yêu nước Việt Nam.
Lễ hội là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Thông qua lễ hội, có thể hiểu được lòng dân. Trên đất Việt, có hàng nghìn lễ hội nhưng có điều lạ là đi từ Nam chí Bắc, có đến già nửa lễ hội ấy là gắn với những vị anh hùng có công với nước, gắn với một chiến công giữ gìn đất nước. Ngày 30-4-1975 đúng mùa lễ hội và chắc chắn cùng với thời gian, nó sẽ bổ sung vào danh sách các lễ hội như thế của dân tộc Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.