(HNM) - Với tuyên bố đóng cửa hoàn toàn các nhà máy điện hạt nhân vào năm 2022, nhiều khả năng Đức sẽ trở thành cường quốc công nghiệp đầu tiên từ bỏ năng lượng nguyên tử sau thảm họa hạt nhân tại Nhật Bản.
Quyết định được đưa ra sau cuộc họp của liên minh cầm quyền do nữ Thủ tướng Angela Merkel đứng đầu cần phải được Quốc hội thông qua mới chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng đây sẽ là một "cửa ải" đầy khó khăn vì chủ đề này đang thổi bùng những luồng tranh cãi khá gay gắt ở quốc gia trụ cột của Liên minh châu Âu (EU).
Nhà máy Điện hạt nhân tại Kartsrube (Đức). |
Trên thực tế, chiến lược phát triển năng lượng hạt nhân của Đức đã bị lung lay đáng kể khi thảm họa tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 của Nhật Bản bùng nổ tháng 3 vừa qua. Thay vì gia hạn thêm 12 năm khai thác năng lượng ở một số lò phản ứng hạt nhân như kế hoạch đưa ra từ năm 2010, Thủ tướng Angela Merkel đã đóng cửa để kiểm tra 7 nhà máy điện hạt nhân và cho "nghỉ hưu" vĩnh viễn những lò phản ứng cũ nhất. Động thái này của Chính phủ Đức nhận được sự ủng hộ của phần lớn người dân.
Tuy nhiên, nhiều công ty điện lực và một số nghị sĩ trong Quốc hội cho rằng đây là một quyết định sai lầm. Vì để trở thành tấm gương về phát triển năng lượng tái tạo như mong muốn của Thủ tướng A. Merkel, Đức phải tìm ra phương án thay thế cho 22% sản lượng điện do các lò phản ứng nguyên tử cung cấp. Hiện tại, các nguồn nhiên liệu khác tại nước này như năng lượng tái tạo (mặt trời, sức gió...) chỉ chiếm 17%, khí đốt tự nhiên 13% và trên 40% từ than đá, không thể cung cấp đủ điện cho Đức. Kể từ sau khi đóng cửa 7 nhà máy điện hạt nhân, Cơ quan giám sát lưới điện châu Âu ENTSO-E đã xác nhận Berlin phải nhập khẩu khoảng 50 GWh điện/ngày từ Pháp và Cộng hòa Séc; trong đó, lượng điện nhập từ Pháp - quốc gia có sản lượng điện hạt nhân chiếm tới 80% nguồn cung điện - đã tăng gấp đôi trong giai đoạn cuối tháng 3-2011. Ngoài ra, giá điện tại Đức cũng đã tăng lên đáng kể, nhất là tại những khu vực phải phụ thuộc vào nguồn năng lượng hạt nhân.
Thậm chí, phe đối lập của Đức nghi ngờ đây là một nước cờ mang nặng hơi hướng chính trị. Lập luận này không phải không có cơ sở. Trong các cuộc bầu cử địa phương được tiến hành gần đây, đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) liên tục bị thất bại nặng nề. Ngay như cuộc bầu cử tại Rhine-Westphalia - bang đông dân nhất ở Đức giữa tháng 5 vừa qua, CDU cầm quyền chỉ giành được 34,3% phiếu bầu. Trong khi đó, đảng Dân chủ xã hội - đảng đối lập lớn nhất giành được 34,7% số phiếu bầu, đảng Xanh giành được 12,4% số phiếu, tăng gần gấp đôi số phiếu so với 5 năm trước. Đảng cánh tả giành được 5,7% số phiếu. Thất bại này khiến chính phủ liên minh của Thủ tướng Merkel đánh mất đa số tại Thượng viện và có thể ảnh hưởng tới chính sách cắt giảm thuế và cải tổ y tế của bà A. Merkel. Trong bối cảnh như vậy, không loại trừ khả năng, CDU coi quyết định đóng cửa các nhà máy hạt nhân - đang được đông đảo cử tri Đức quan tâm - như một chiến lược nhằm lật lại thế cờ trong cuộc tổng tuyển cử vào năm tới.
Nhiều quốc gia trong EU cũng tỏ ý lo ngại quyết định của Đức sẽ gây những tác động không mong muốn cho những quốc gia chưa sẵn sàng thay đổi chiến lược hạt nhân vào thời điểm này. Phần lớn vẫn cho rằng, biện pháp hữu hiệu nhất là tìm kiếm những giải pháp an toàn cho các lò phản ứng hạt nhân. Theo Bộ trưởng Môi trường Thụy Điển, ông Andreas Carlgren, trong thời gian tới, Đức khó có thể giảm thiểu sự tiêu thụ năng lượng hóa thạch, đặc biệt là năng lượng từ cacbon. Điều này đi ngược lại những mục tiêu nhằm giảm lượng khí thải CO2 và tạo ra tranh cãi mới giữa các quốc gia trong khu vực khi không thể cùng một lúc giải quyết được hai vấn đề: giảm năng lượng nguyên tử; đồng thời giảm thiểu khí phát thải gây biến đổi khí hậu.
Liên minh châu Âu (EU) hiện đứng đầu thế giới với 143 nhà máy điện hạt nhân ở 14 nước thành viên. Trong đó Pháp đứng đầu EU với 19 nhà máy, tiếp theo Đức sở hữu 17 nhà máy và Tây Ban Nha là 6. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.