Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một lời cảnh báo

Nữ Quỳnh| 02/04/2011 06:02

(HNM) - Ngày 31-3, một vụ sập nhà khá hy hữu xảy ra tại Hà Nội, gây xôn xao dư luận. Căn nhà bất ngờ đổ sập còn gây hỏng cả khu chung cư liền kề, đẩy hàng chục hộ dân vào cảnh khóc dở vì mất chỗ đi về. Cũng may là không xảy ra thiệt hại về người. Nhưng vụ sập nhà này đã gióng lên lời cảnh báo về chất lượng công trình xây dựng cũng như công tác quản lý trong lĩnh vực này.

Thông tin ban đầu thì căn nhà bị sập kia đã phải qua không ít lần xây sửa, cơi nới, khi sập đổ đã khác nhiều so với lúc nó hình thành. Tuy mới được sơn sửa lại, nhưng tòa nhà trông tưởng mới ấy lại không hề vững chắc bởi nó đã bị người ta chặt chém, đập gần hết tường xung quanh để lắp kính, cắt các dầm ngang để mở lối thang máy, cộng vào nữa là những ban công cơi nới nhô ra ngoài tới cả mét. Vậy là tòa nhà đã bị thương nặng ấy không gượng nổi và gục ngã là đương nhiên.

Chất lượng công trình đã vậy, công tác quản lý cũng cần được bàn tới. Chưa biết khi sửa chữa, chủ công trình có xin phép cơ quan chức năng hay không? Nếu đã được thẩm định cấp phép mà vẫn xảy ra sự cố thì phải xem xét cả trách nhiệm của cơ quan chức năng quản lý.

Ít ngày trước, khi Hà Nội phải chịu một cơn dư chấn động đất, nguy cơ mất an toàn ở các khu nhà này đã được dư luận đề cập đến nhiều. Hầu hết các chuyên gia đều lo ngại nguy cơ có thể xảy đến với hệ thống nhà chung cư cũ. Trong khi thực tế Hà Nội hiện có hơn 70 khu chung cư, tập thể được xây dựng từ cách đây vài ba chục năm, nhiều khu đã thực sự cũ nát, thậm chí có nơi đã nứt toác ra và người ta đã phải gia cố tạm. Tình trạng ba lô, chuồng cọp nhếch nhác, nguy hiểm liên tục diễn ra đã quá lâu mà chưa được xử lý. Riêng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có khoảng hơn 150 khối nhà chung cư, với quy mô hơn 10.000 căn hộ, đang nằm trong diện "báo động đỏ" về độ nguy hiểm, cần phải sớm được phá dỡ, xây dựng lại để bảo đảm an toàn cho những cư dân sinh sống tại đó. Chưa hết, giữa Thủ đô hiện nay vẫn tồn tại hơn 500 nhà thuộc dạng siêu mỏng, siêu méo. Đây là những căn nhà "đầu to, chân tay teo", mặt bằng có khi chỉ sâu 1m nhưng trên tầng lại nhô ra gấp đôi. Bên cạnh đó, nhà dân tự xây, nhà tạm do không được kiểm soát về chất lượng và kỹ thuật cũng rất đáng lo ngại, vì thông thường cơ quan cấp phép chỉ thẩm định xem công trình có phù hợp với quy hoạch hay không, còn chất lượng thế nào, chủ đầu tư tự quyết định. Với những căn nhà như vậy, chẳng ai dám nói chắc được điều gì. Theo các nhà chuyên môn thì với dạng nhà này, không cứ động đất, mà bất cứ rung lắc nhẹ nào tác động lên cũng có thể khiến các công trình xây dựng này đổ sụp.

Trên thực tế, chính quyền Hà Nội cũng đã rất cố gắng trong việc giải quyết các khu chung cư cũ cũng như nhà siêu mỏng, siêu méo. Nhưng đáng bàn là nỗ lực của chính quyền, nhất là cấp cơ sở chưa đủ sức ngăn chặn tình trạng xây dựng tùy tiện, bất chấp các nguyên tắc kỹ thuật tối thiểu. Quan trọng hơn nữa chính là ý thức hợp tác của người dân. Hợp tác, đồng thuận không chỉ là tạo điều kiện cho thành phố mà còn vì chính sự an nguy của mình. Sẽ là muộn để hối hận khi chỉ vì một khoản đền bù chưa như ý, một chút lợi ích riêng để phải chịu một hậu quả kinh hoàng như sự cố nói trên.

Một sự cố - Một lời cảnh báo. Đã đến lúc cả cơ quan chức năng và mỗi người dân, chủ công trình cần thay đổi cách nghĩ để hành động vì sự an toàn của chính chúng ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một lời cảnh báo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.