(HNM) - Việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thực hiện chưa có tiêu chí phân loại theo ngành nghề, lĩnh vực hoặc theo các nhóm để có giải pháp tái cấu trúc đối với từng nhóm, mà thực hiện ở từng doanh nghiệp, chủ yếu tập trung vào ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính, chuyển giao nội bộ tập đoàn, tổng công ty hoặc giữa các doanh nghiệp nhà nước.
1. Tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII, trong báo cáo thẩm tra, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá: Việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thực hiện chưa có tiêu chí phân loại theo ngành nghề, lĩnh vực hoặc theo các nhóm để có giải pháp tái cấu trúc đối với từng nhóm, mà thực hiện ở từng doanh nghiệp, chủ yếu tập trung vào ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính, chuyển giao nội bộ tập đoàn, tổng công ty hoặc giữa các doanh nghiệp nhà nước. Điều đó dẫn đến hệ quả là chưa tạo ra động lực và áp lực để buộc các doanh nghiệp nhà nước đẩy nhanh quá trình đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao trình độ quản trị, tính cạnh tranh, tính hiệu quả và phát triển bền vững. Đồng thời chưa ban hành hệ thống chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, nhất là vấn đề xử lý các khoản lỗ, dôi dư cán bộ, người lao động…
Chính vì những lý do nêu trên mà việc tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và đặc biệt là việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước chưa đạt tiến độ và chất lượng cần thiết.
2. Cũng tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã nhận được kết quả kiểm toán năm 2012 của Kiểm toán Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Theo đó, kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2011 của 271 doanh nghiệp thuộc 27 tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước cho thấy, tính đến hết năm 2011, tổng số nợ phải thu hồi là 54.133 tỷ đồng, nợ phải thu trên tổng tài sản là 20,56% và trên vốn chủ sở hữu là 82,97%. Những số liệu đó thật đáng buồn. Tuy nhiên thu nhập bình quân của các chức danh quản lý thuộc một số tập đoàn, tổng công ty lại được xếp vào "hàng khủng". Ví dụ ở Tổng Công ty Vinafood 1, thu nhập bình quân của lãnh đạo năm 2011 là 56,5 triệu đồng/người/tháng, khối văn phòng là 28,4 triệu đồng/người/tháng; còn ở Tổng Công ty Vinafood 2, con số về thu nhập bình quân tương ứng của lãnh đạo là 79,749 triệu đồng/người/tháng, khối văn phòng là 32,9 triệu đồng/người/tháng.
Làm ăn thua lỗ, không những không phải chịu trách nhiệm mà những người lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhận mức lương cao như vậy có là hợp lý? Dù chưa thể hiểu cái lý ở đâu nhưng như trình bày ở trên, giữa vấn đề 1 và vấn đề 2 có mối liên quan chặt chẽ. Chính "logic thống nhất" đó là "lực cản vô hình" dẫn đến sự trì trệ của việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, ảnh hưởng tới tiến trình đổi mới toàn diện và triệt để nền kinh tế. Hiện nay, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước được ví như đầu tàu, kéo con tàu kinh tế Việt Nam phát triển đi lên. Các tập đoàn và tổng công ty này quản lý những nguồn lực lớn của quốc gia và luôn nhận được sự hỗ trợ lớn về cơ chế, chính sách; tuy nhiên, đổi lại, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh thu được là rất thấp. Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, dù chỉ có 4/27 tập đoàn và tổng công ty nhà nước làm ăn thua lỗ, song điều đáng quan tâm là với 23 đơn vị kinh doanh có lãi thì tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt dưới 5%. Với những đầu tàu ì ạch như vậy khó có thể tạo ra sức bật cho nền kinh tế đất nước. Do đó có thể thấy việc tái cơ cấu khu vực này là hết sức cần thiết và cấp bách. Và muốn vậy, "logic thống nhất" nêu trên phải nhanh chóng dỡ bỏ để có thể sắp xếp, tổ chức lại các doanh nghiệp nhà nước theo hướng thu hẹp phạm vi và ranh giới độc quyền; đẩy mạnh cổ phần hóa và tư nhân hóa; đổi mới cơ chế quản trị và giám sát doanh nghiệp đồng thời kết hợp chặt chẽ với tái cơ cấu toàn nền kinh tế đất nước nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.