Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một loại tội phạm vô hình?

Dục Tú| 14/12/2015 06:03

(HNM) - Cuối năm, lại thấy cần nói về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Vấn đề bắt đầu từ những món quà nho nhỏ ở các hội nghị, hội thảo, họp báo công bố chương trình nào đó theo chân các đại biểu về nhà.

Nói "quà nhỏ" là bởi đó có thể chỉ là một chiếc cặp đựng tài liệu, chiếc áo mưa, cuốn sách, chiếc đĩa DVD, cuốn lịch, tấm bưu thiếp ghi lời chúc mừng năm mới… Trong số nhận quà có người thấy sự hữu dụng trong đó nhưng cũng có người thì không, đặc biệt là những "chuyên gia đi họp". Phát (cho) thì nhận, mang về nhà nhiều quá, không dùng hết hoặc không muốn dùng thì tặng người khác, gặp món không đáng để tặng thì có khi phải bỏ thùng rác… Như thế có nên gọi là lãng phí hay không?

"Lãng phí", hiểu nôm na là làm một việc gì đó gây tốn kém, dẫn đến hao tổn vô ích. Chiểu theo nghĩa này thì không thiếu những món quà nho nhỏ kiểu nói trên mang màu sắc lãng phí bởi không có giá trị sử dụng đối với nhiều người dù phía tặng (phát) quà chắc chắn phải bỏ tiền ra mua hoặc đặt hàng. Quà nhỏ, số lượng ít thì mức độ lãng phí giảm đi. Tuy thế, sự nhỏ, không đáng kể là nhìn vào một kỳ cuộc có phát quà, chứ nhìn rộng ra toàn quốc với biết bao hội thảo, hội nghị, họp báo được tổ chức kèm "mục" phát quà, mức độ lãng phí chắc chắn không phải là nhỏ.

Cách tặng quà nói trên chỉ là một dạng có thể gây lãng phí. Trong thực tế, có rất nhiều việc gây lãng phí, ở mức độ nho nhỏ nói trên cho đến lớn hơn. Mức độ nguy hiểm của lãng phí không kém gì tham nhũng, thậm chí có thể hơn bởi nhiều loại lãng phí mang bộ mặt vô hình, rất khó kiểm đếm và ít khi được xem xét một cách tỉ mỉ. Chẳng hạn, khi chung cư đua nhau mọc như nấm ở các đô thị lớn, bao nhiêu người nghĩ đến khoản tiền mất đi một cách vô ích khi vô số khách hàng đập phá những gì không hợp ý họ, bỏ tiền mua đồ thay thế. Đường sá mới xây đã lún, "nẻ toác"; gạch lát hè phố phải thay xoành xoạch. Một số thiết chế văn hóa được xây dựng, "vỏ" hoành tráng nhưng "ruột" teo tóp - tức hiệu quả sử dụng hạn chế…

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham ô, lãng phí như giặc nội xâm, "nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính", cần phải được phát hiện và đấu tranh ngăn chặn. Chống lãng phí phải song hành với thực hành tiết kiệm - cả về thời giờ, sức lao động, cả tiền bạc của dân, của Nhà nước và của chính bản thân mình. Người cho rằng phải tiết kiệm từ cái nhỏ đến cái to, không được phô trương hình thức, xa xỉ hoang phí nhưng cũng phải biết chi cho những việc đáng chi, việc chi tiêu phải có kế hoạch, mục đích rõ ràng, thiết thực và hiệu quả… Giờ đây, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí vẫn còn nguyên ý nghĩa soi đường.

Gần đây, đã có nhiều ý kiến tranh luận về mức độ gây hại của hành vi lãng phí và tham nhũng, nêu vấn đề tại sao hành vi tham nhũng bị coi là phạm tội còn lãng phí thì dường như không dù mức độ gây hại là vô cùng lớn. Đó là ý kiến đáng lưu ý liên quan đến thực hiện nhiệm vụ chống lãng phí, thực hành tiết kiệm. Tuy thế, để chống lãng phí hiệu quả thì ngoài việc nghiên cứu định ra hình thức chế tài phù hợp, khả thi, còn phải tìm cách định danh hành vi gây lãng phí một cách rõ ràng, cụ thể - từ "nhỏ" đến "to", cả việc thường ngày và cả chương trình, dự án lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một loại tội phạm vô hình?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.