(HNM) - Chớp mắt đã thấy Noel, tết Dương lịch, tết Nguyên đán và mùa hội Xuân Bính Thân 2016 ở trước mắt. Bên nỗi lo toan bộn bề thường thấy vào dịp cuối năm, với rất nhiều người còn có sự háo hức, những "dự án" khám phá không khí Tết, lễ hội tại những điểm đến khác lạ. Tuy thế, như nhiều năm trước, những thông tin về một "mùa chặt chém" đang tới có thể làm nhiều người cụt hứng vì lo.
Cuối tuần qua, trước lễ hội hoa Đà Lạt khoảng một tuần, thông tin nhiều khách sạn tại thành phố du lịch nổi tiếng này bắt đầu "găm phòng", tăng giá gấp đôi so với ngày thường cho thấy "mối lo… thường niên" đã quay trở lại. Đó có lẽ là pháo hiệu mở màn cho một mùa du lịch cuối năm không yên ả với du khách bởi sau những gì đã diễn ra trong mùa du lịch hè năm nay, không có nhiều cơ sở để khẳng định rằng rồi đây, trong vòng 2-3 tháng tới, tại những điểm đến nổi tiếng như Sa Pa, Hạ Long, Nha Trang… không có cảnh "chặt chém" du khách. Dịp 30-4, 1-5-2015, Sa Pa từng "nổi tiếng" với nạn tăng giá phòng nghỉ vô tội vạ mà điển hình là "vụ báo giá 46 triệu đồng/phòng/đêm" dù chưa có khách sập bẫy chặt chém. Cho đến giờ, nhiều người vẫn còn nhắc lại điều đó với hàm ý không muốn quay trở lại trong những khoảng thời gian cao điểm du lịch.
Khi mối lo về nạn "chặt chém" còn hiện hữu, hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung bị ảnh hưởng nặng nề, tất yếu cần phải xác định nguyên nhân và tìm ra giải pháp khả thi để hạn chế vấn nạn này, kể cả khi cơ quan quản lý về du lịch và các địa phương đã có quá nhiều lần lôi việc này "lên bàn" mà không thể đem lại hiệu quả cần thiết. Nói vậy là bởi khi đánh giá nạn "chặt chém" với tầm nhìn dài hạn và có tính bao quát, hậu quả của vấn nạn này lớn hơn rất nhiều so với điều mà nhiều người hình dung. Đó không chỉ là chuyện du khách bị "móc túi", là tâm lý ngại quay trở lại của khách mà còn có vô số hệ lụy xấu khác làm ảnh hưởng tới nhịp độ tăng trưởng và tính bền vững của thị trường du lịch trong tương lai. Đó là điều có thể thấy rõ khi khách du lịch tới một nơi nào đó với tâm lý đề phòng, cho rằng mình có thể bị "chém" bất kỳ lúc nào và ngay cả người dân trên địa bàn cũng phàn nàn rằng mình là nạn nhân của nạn tăng giá do du lịch.
Tình trạng "chặt chém" (không chỉ về giá phòng nghỉ) xảy ra như cơm bữa ở một số nơi, lạ một điều là thảng hoặc mới có chuyện phía "chặt chém" bị xử lý và hầu như chỉ có chủ nhà hàng, cơ sở lưu trú bị truy vấn, còn cơ quan quản lý ngành và địa bàn thì không. Đặt ra vấn đề này là bởi trước khi "vào mùa" hay trước những sự kiện lớn có ảnh hưởng tới du lịch, thường thì chủ nhà có kế hoạch tổ chức, không thiếu cam kết ngăn chặn tình trạng "chặt chém". Khi kế hoạch đã có mà tình trạng "chém" bừa bãi vẫn xảy ra, liệu có nên chỉ đổ lỗi cho quy luật cung - cầu hay sự thiếu ý thức của phía dịch vụ hay không?
Nạn "chặt chém" là một căn bệnh nặng, một ca khó chữa nếu không xác định đó là loại hành vi phải loại bỏ bằng mọi giá. Tuyên truyền, vận động là cần thiết, nhưng chưa đủ. Phương án khả thi là xem xét xứng đáng trách nhiệm của các phía liên quan, duy trì việc "bêu tên" có thời hạn đối với cơ sở dịch vụ vi phạm quy định về quản lý giá kèm mức phạt hành chính đủ khiến họ phải dừng tay "chặt chém".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.