Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một lệnh cấm chưa đủ

Nữ Quỳnh| 25/06/2011 06:17

(HNM) - Vừa rồi, dư luận ồ ạt bàn thảo chuyện dân ta uống bia khiếp quá. Sức uống của người tiêu dùng Việt Nam đã khiến nhà máy bia mọc lên như nấm. Bia rượu nhập khẩu cũng tràn lan thị trường.

Theo một thống kê, năm 2010 có hãng bia tiêu thụ ở Việt Nam hàng tỷ lít. Còn chỉ trong bốn tháng đầu năm 2011, lượng bia sản xuất trong nước đạt 714,6 triệu lít các loại. Việt Nam có khoảng 350 cơ sở sản xuất bia, chưa kể hạng… bia "cỏ" không đăng ký. Còn rượu thì sao? Chưa ai thống kê chuẩn được bởi ở ta cái anh "quốc lủi" đã len lỏi vào từng nhà, thật khó kiểm soát. Chỉ biết là, từ nhiều năm trước, tình trạng mất an toàn giao thông do người điều khiển phương tiện uống rượu bia đang ngày càng gia tăng. Người ta gọi đó là "con đường dẫn tới địa ngục".

Thế nhưng (lại "nhưng"), ở nhiều nơi bây giờ, tiệc rượu là "chuyện thường ngày ở huyện". Thậm chí đến một ngành nọ chả liên quan gì đến rượu cũng phải tổ chức "tuyển" quốc tửu, với cả cái tên chẳng liên quan gì đến Việt Nam như "Vodka" được xếp vào hàng "top". Người người uống rượu, nhà nhà uống bia. Vodka thành tên quen thuộc, còn bia trở thành thứ nước giải khát phổ biến.

Tuần rồi, một bộ chả liên quan gì đến "mục tiêu phấn đấu" phải trở thành nước tiêu thụ bia lớn nhất thế giới của ngành sản xuất bia lại có ý tưởng "cấm bán rượu bia" tại một số địa điểm. Đó là ý kiến đóng góp của Bộ GTVT vào một dự thảo văn bản pháp luật, nhấn mạnh cần phải tăng cường các biện pháp quản lý cũng như xử phạt hành vi uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Bộ này đề xuất các cơ quan, đơn vị, tổ chức cần ban hành các quy định không uống rượu, bia kể cả liên hoan, tiếp khách trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa; cấm bán rượu, bia tại các bến xe, các trạm dừng nghỉ trên đường bộ… Lại nhớ, cách đây cả chục năm, Bộ Công an cũng đã có quy định cấm cán bộ, chiến sĩ ngành mình uống rượu, bia trong giờ làm việc.

Dĩ nhiên, rượu bia, tác hại như vậy thì đáng cấm quá đi chứ. Nhưng xét từng chi tiết lại thấy đề xuất này khó khả thi. Đành rằng việc yêu cầu có khuyến cáo về tác hại của rượu bia, thậm chí cấm tiệt ở một số không gian cụ thể thì rõ là đúng rồi. Thế nhưng nếu tất tần tật chỉ quy vào một lệnh "cấm" xem ra khó thuyết phục. Có lẽ sẽ thật khó cho cơ quan tổ chức nào đó để ban hành quy định cấm "uống rượu, bia kể cả liên hoan, tiếp khách". Nó cũng ví như việc xảy ra các sự cố giao thông ở đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương được coi là hiện đại nhất Việt Nam, khi xảy ra tai nạn thì nhiều người lại cho rằng bắt buộc khi chạy trên đường này thì lốp xe cũng phải đạt chuẩn… cao tốc. Chả khác gì bắt bí nhau.

Nói thế không phải là bảo vệ chuyện uống rượu bia. Mà vấn đề ở đây chính là việc quy định pháp luật sao cho phù hợp. Mất an toàn giao thông phải khẳng định là có nhiều lý do, chứ không chỉ là từ rượu bia. Chính vì thế mà bắt đầu chỉ từ rượu bia và vì tai nạn giao thông mà cấm "liên lụy" cả ngành khác thì xem ra thật oan uổng và sẽ khó có thể khả thi. Và khi không khả thi thì pháp luật sẽ bị "nhờn", mất tác dụng với xã hội. Nói đúng ra là lo chuyện an toàn giao thông có hàng trăm nguyên nhân khác, có nhiều việc phải được pháp luật hóa cụ thể điều chỉnh. Ngoài rượu bia, là thứ khó kiểm soát, vẫn còn vô khối thứ liên quan. Vì thế, nếu không có cái nhìn toàn diện, an toàn giao thông sẽ vẫn chưa có lối thoát. Và chắc chắn, một lệnh cấm rượu bia thôi chưa đủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một lệnh cấm chưa đủ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.