Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một lần đến ramsar Tràm Chim

Tuấn Lương| 11/05/2015 06:32

(HNM) - Gần trọn đêm ngồi nhậu ở thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), hỏi đường đi về Đồng Tháp Mười,


Ramsar thứ 2.000 của thế giới

Bạn đón ở sân bay Tân Sơn Nhất, hỏi muốn đi đâu, tôi bảo cứ đến chỗ nào có sông nước là được. Thế là lên đường.

Du khách tham quan ramsar Tràm Chim. Ảnh: Tuấn khải


Trời xẩm tối, ô tô dừng ở Kiến Tường, suốt chặng đường dài vẫn chưa thấy chỗ nào mênh mông sông nước, tràn ngập sen súng như trong tưởng tượng của chúng tôi về Đồng Tháp Mười. Lượn tới hai vòng, trong thị xã mới kiếm được một quán nhậu. Ông chủ quán vui tính, thấy mấy người Bắc gọi đầu bếp vác đàn ra. Chủ hát, bếp đàn, nghe cũng bùi ! Vui chuyện, chủ quán bảo: "Tui là đệ nhất danh ca đất Long An, còn chú bếp là đệ nhất danh cầm đó". Chốc chốc có khách, "danh cầm" lại đeo tạp dề vào bếp đun đun nấu nấu, ngớt khách lại ra ôm đàn. Chuyện vãn thì cũng ra được cái ramsar Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp)…

Sớm hôm sau, mất hơn hai giờ chạy xe, qua vài lần hỏi đường mới tới được Tràm Chim - ramsar thứ 2.000 của thế giới và là ramsar thứ tư của Việt Nam, sau Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy (Nam Định), hệ đất ngập nước Bàu Sấu (VQG Cát Tiên - Đồng Nai) và VQG Ba Bể (Bắc Kạn).

Chị Lê Hoàng Oanh - hướng dẫn viên ramsar cho biết: VQG Tràm Chim giống như một Đồng Tháp Mười thu nhỏ, với tất cả đặc tính tự nhiên và đa dạng sinh học, không một nơi nào có được. Chỉ với diện tích hơn 7.000ha, Tràm Chim có tới hơn 230 loài (trong đó có hàng chục loài đang bị đe dọa tuyệt chủng), hơn 130 loài cá và rất nhiều loài động thực vật khác.

Rời đường bộ xuống nước, chiếc tắc ráng (một loại xuồng chuyên dụng của người miền Tây) đưa chúng tôi khám phá một trong những di sản hiếm có giữ vai trò bảo tồn đa dạng sinh học của nhân loại. Dọc hai bên bờ kênh Mười Nhẹ là những khu rừng tràm rậm rạp nối dài, mênh mông một màu xanh ngút mắt. Mỗi khi tắc ráng lướt tới, từ trong rừng tràm, từng đàn chim bay vút lên. Chấp chới trong nắng là màu trắng những cánh cò, màu đen của cồng cộc, màu xám của chiền chiện… Nhiều nhất là cò trắng, bay thành từng đàn. Hướng dẫn viên Lê Hoàng Oanh tiếc hùi hụi cho chúng tôi là đến Tràm Chim đúng mùa nhưng năm nay có quá ít Sếu đầu đỏ. Loài chim được mệnh danh là quý tộc này thường về Tràm Chim tránh rét vào dịp từ cuối tháng Chạp đến đầu tháng 5 âm lịch năm sau. Sếu đầu đỏ có bộ lông xám mượt, đôi cánh rộng dài trên đôi chân cao vút (là loài cao nhất trong các loài chim), mỗi màn chao liệng của chúng trên không giống như một vũ điệu thiên nhiên tuyệt diệu. Đặc trưng của loài Sếu đầu đỏ là mỗi gia đình thường chỉ có 3 con cụm lại một chỗ để kiếm ăn. Muốn tới gần chúng phải tắt động cơ để tắc ráng lướt nhẹ, nhưng cũng không dễ. Cách tốt nhất là dùng ống nhòm để ngắm. Còn muốn chụp ảnh thì phải có máy chuyên nghiệp…

Sen và súng ở Tràm Chim không giống như ở miền Bắc. Sen ở đây cánh lớn và dày, xếp thành nhiều lớp, bông trắng muốt, bông lại trắng hồng. Xen lẫn trong đó là màu tím của những bông súng lặng lẽ vươn lên khỏi mặt nước... Người ta bảo sen Tràm Chim là đệ nhất, không ngoa chút nào.

Một "đặc sản" nữa của Tràm Chim chính là lúa ma (hay còn được gọi là lúa trời). Theo người dân sống ở Tràm Chim, lúa ma từ lúc nảy mầm cho đến khi chín mất ngót gần 6 tháng và chỉ chín vào ban đêm. Lúa này hễ thấy mặt trời là rụng nên nông dân ở đây phải gặt từ tờ mờ sáng. Bông lúa ma không dài và cong mà mọc trực tiếp từ thân ra. Nếu không phải là những lão nông sành sỏi thì khó phân biệt đâu là bông lúa ma, đâu là bông cỏ. Cách thu hoạch giống lúa này cũng rất đặc biệt. Trên cánh đồng lúa ma, 2-3 người cùng ngồi trên xuồng vào vùng lúa chín. Chiếc xuồng được cơi nới hai bên rộng ra rồi đặt những tấm bồ để hứng lúa. Một người chống sào để chèo, người còn lại tay cầm cây đập nhẹ vào thân cây lúa, hạt lúa chín cứ thế rơi xuống bồ rồi nằm gọn trong xuồng… Trước đây, lúa ma rất nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười. Bây giờ nó chỉ còn rải rác trong Tràm Chim, cỡ khoảng 1.000ha, được lưu giữ để phục vụ du lịch…

Cộng đồng cùng giữ gìn di sản

Cả Tràm Chim chỉ có một khu vực căng tin phục vụ khách du lịch ăn uống, nghỉ ngơi. Có khá nhiều món đặc sản của sông nước miền Tây như cá lóc đồng nướng trui cuốn với lá sen non, cá linh chiên giòn, chuột đồng, bông điên điển, nộm ngó sen… nhưng không thấy có các món chim. Thấy tôi thắc mắc, nhân viên căng tin bảo, cái tên Tràm Chim có nghĩa là rừng tràm có nhiều chim. Nếu săn bắt hết thì còn gì gọi là Tràm Chim. Căng tin chỉ phục vụ khách những gì có thể tái sinh.

Tràm Chim quý lắm. Dù gì thì cả thế giới cũng chỉ có hơn 2.000 ramsar. Tỉnh lo giữ bằng mọi giá bởi nếu không có ramsar, Tam Nông chắc gì đã có tên trên bản đồ đa dạng sinh học thế giới một cách trang trọng như vậy. Chính phủ chỉ đạo phải bảo vệ quyết liệt. Thế giới cũng hỗ trợ rất nhiều để bảo tồn. Quanh chuyện bảo vệ và bảo tồn Tràm Chim cũng có nhiều chuyện. Người dân xã Phú Đức (huyện Tam Nông) cho biết trước đây khi chưa là ramsar, ai cũng có thể vào đây săn bắt chim, muông, tôm, cá, hái rau … Cứ xung điện cắm xuống nước hay thả lưới mắt dày khi kéo lên là cá bé, cá to đủ cả. Nhưng kể từ khi được thế giới công nhận là ramsar, muốn vào đánh cá, hái rau chỉ có nước lợi dụng ban đêm chèo xuồng vào. Dân ấm ức, lãnh đạo VQG cũng băn khoăn. Nhiều cuộc tranh luận nảy lửa diễn ra để có lúc người dân được đường đường chính chính khai thác thủy - hải sản và rau màu, củi khô vào 3 tháng mùa nước nổi như bây giờ. Thậm chí ban đầu Ban giám đốc VQG còn bị lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện gọi lên "cạo" đầu vì dám "phá rào" cho người dân vào khai thác thủy - hải sản trong khu vực đã được thế giới công nhận phải bảo tồn.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc VQG Tràm Chim kể, VQG Tràm Chim quá rộng lớn nên không thể ngăn nổi tình trạng người dân xâm nhập, khai thác tài nguyên trái phép, nhất là vào ban đêm. Để hạn chế, chỉ có cách duy nhất là phải cho người dân được hưởng lợi từ VQG Tràm Chim. Từ tháng 9-2013, hơn 200 hộ dân là những gia đình chính sách, hộ nghèo ở các xã Phú Đức, Phú Hiệp, Phú Thành B, Phú Thọ, Tân Công Sính và thị trấn Tràm Chim (huyện Tam Nông) được tham gia vào dự án thí điểm khai thác tài nguyên VQG Tràm Chim một cách hợp lý. Vào 3 tháng mùa nước nổi, người dân khai thác các loại rau đồng như: Bông súng, rau muống, rau trai và đánh bắt tôm cá… Tuy nhiên, loại lưới sử dụng để đánh cá phải là loại mắt thưa, lưỡi câu cũng phải lớn để không tận diệt thủy sản. Ngoài ra, người dân còn có thể chèo thuyền, làm hướng dẫn viên du lịch… để tăng thêm thu nhập. Ban quản lý VQG hỗ trợ đào tạo người dân địa phương. Tất cả đều phải có thẻ để tiện cho công tác quản lý. Ngày ngày, cán bộ của VQG tuần tra, kiểm tra thẻ, ranh giới hoạt động, sản lượng khai thác... Nếu phát hiện ai vi phạm lần đầu thì tịch thu ngư cụ, lần hai là cắt hợp đồng. Cả cộng đồng cùng được hưởng lợi thì chính người dân sẽ tham gia tích cực vào công tác bảo vệ. Thực tế cho thấy, người dân đang bảo vệ Tràm Chim như bảo vệ chính "nồi cơm" của mình.

Lại nói về "nồi cơm" ấy, lúc ngồi tắc ráng vào Tràm Chim, vỏ lon bia vừa uống hết anh em tôi "lỡ tay" ném xuống nước. Lập tức tắc ráng dừng máy, cô hướng dẫn viên Lê Hoàng Oanh nhẹ nhàng dùng vợt vớt lên thuyền rồi tài công nổ máy chạy tiếp đưa khách đi thưởng lãm ramsar. Chỉ một hành động nhỏ như vậy cũng đủ nói lên ý thức của người dân nơi đây trong công cuộc bảo vệ ramsar, để Tràm Chim mãi mãi có tên trên bản đồ đa dạng sinh học thế giới một cách trang trọng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một lần đến ramsar Tràm Chim

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.