(HNM) - Một kịch bản không mong đợi - như một đổ vỡ trong nội bộ Công đảng cầm quyền kéo dài nhiều tháng qua ở Australia - với đỉnh điểm là tuyên bố bất ngờ từ chức của Ngoại trưởng Kevin Rudd ngày 22-2 cuối cùng đã không xảy ra.
Thủ tướng Julia Gillard quyết giành lại uy tín sau cuộc bỏ phiếu bầu chọn lãnh đạo Công đảng ngày 27-2. |
Không né tránh và nhìn thẳng vào sự thật sau một loạt căng thẳng trong nội bộ Công đảng thời gian qua khiến công việc của chính phủ bị xao lãng là lý do buộc nữ Thủ tướng J.Gillard phải đi đến quyết định bỏ phiếu kín. Đặc biệt, tuyên bố ra đi bất ngờ của cựu Ngoại trưởng K.Rudd đã khiến bà J.Gillard không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải thực hiện một cuộc bỏ phiếu để bầu chọn vị trí lãnh đạo Công đảng nhằm khẳng định sự ủng hộ của các thành viên cấp cao trong Công đảng với mình. Trong bối cảnh làn sóng dư luận ngày một gia tăng trước nghi ngờ rằng việc ông K.Rudd từ chức sẽ thách thức vị trí lãnh đạo nội các của Công đảng cầm quyền, chiến thắng thuyết phục của Thủ tướng J.Gillard đã khép lại "vở kịch chính trị" gây nhiều tranh cãi trong những ngày qua trên chính trường Australia. Bảo vệ thành công cương vị đứng đầu đảng cầm quyền trước người tiền nhiệm, cựu Ngoại trưởng K.Rudd, không chỉ một lần nữa khẳng định uy tín điều hành đất nước của nhà lãnh đạo nữ đầu tiên của Australia này sau một năm rưỡi nhậm chức, mà còn được xem là bước khởi đầu thuận lợi để bà khẳng định sự tự tin đưa Công đảng đi đến thắng lợi trong cuộc bầu cử vào năm tới.
Trở thành Thủ tướng thứ 27 của Australia vào tháng 9-2010 sau khi người tiền nhiệm K.Rudd ra đi vì để mất uy tín trước cử tri, gây nhiều bất đồng trong nội bộ Công đảng cầm quyền, sự kiện bà J.Gillard lên nắm quyền lãnh đạo đất nước được kỳ vọng sẽ đem làn gió mới cho nền kinh tế hơn 22 triệu dân. Nhất là trong bối cảnh Công đảng được cho là "yếu thế" trước liên đảng Tự do - Dân tộc đối lập do ông Tony Abbott lãnh đạo. Dù vẫn còn hoài nghi trong một số cử tri Australia, nhưng phải thừa nhận rằng khả năng chèo lái con thuyền kinh tế cũng như xử lý một loạt vấn đề nóng của đất nước ở nhà lãnh đạo 51 tuổi này đã được chứng minh sau cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua cũng như một loạt thiên tai xảy ra ở đất nước này. Cùng chính sách ngoại giao hướng về Châu Á, nhất là khu vực Đông Nam Á, việc thắt chặt hợp tác với Mỹ sau hơn 60 năm thiết lập quan hệ đồng minh được nữ Thủ tướng J.Gillard kế thừa khá thành công thời gian qua. Cùng với đó phải kể đến vai trò không thể thiếu của Australia trong nỗ lực cùng tám quốc gia khác để cuối năm nay có thể ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội thúc đẩy tự do thương mại trong khu vực. Với những đóng góp như vậy, Thủ tướng J.Gillard đã thuyết phục được 71 thành viên "gật đầu" để bà tiếp tục lãnh đạo Công đảng cầm quyền.
Tranh cãi trên chính trường Australia đã tạm lắng sau cuộc "tại vị" của bà J.Gillard. Thừa nhận thất bại sau cuộc "trắc nghiệm" tín nhiệm này, cựu Ngoại trưởng K.Rudd đã "tâm phục khẩu phục" khi nói rằng "Tôi hoàn toàn chấp nhận quyết định của đảng và tự nguyện cống hiến để bà J.Gillard có thể tái đắc cử Thủ tướng Australia nhiệm kỳ tới". Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu, bởi trước mắt nội các của nữ Thủ tướng J.Gillard còn hàng núi công việc cần giải quyết trước cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào cuối năm 2013.
Một khởi đầu mới thuận lợi không có nghĩa con đường giành lại uy tín trước cử tri Australia của Công đảng do nữ Thủ tướng J.Gillard lãnh đạo hoàn toàn thuận buồm xuôi gió. Trong bối cảnh một chính phủ liên minh hiện nay, để điều hành hiệu quả nội các sau "dư chấn" vừa qua xem ra không đơn giản với Thủ tướng J.Gillard. Thêm vào đó, gánh nặng vực dậy nền kinh tế sau khủng hoảng cùng một loạt vấn đề cấp thiết mà chính phủ đang phải đối mặt là những thách thức lớn với nữ Thủ tướng J.Gillard. Cam kết đoàn kết thống nhất nội bộ Công đảng, thắng lợi chính trị khá ngoạn mục của nữ Thủ tướng J.Gillard hứa hẹn một kết quả tích cực trong cuộc bầu cử năm tới để Australia tiếp tục khẳng định là một trụ cột vững chắc trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.