(HNM) - Khởi động từ cuối tháng 7, đến nay, hội thi Hộ tịch viên giỏi TP Hà Nội năm 2011 đã đi qua hơn nửa chặng đường với 20/29 quận, huyện, thị xã đã tổ chức xong vòng chung khảo.
Mang nhịp đập của cuộc sống
Vẫn nghĩ công tác đăng ký và quản lý hộ tịch là những việc khô khan đến nhàm chán mà ngày nào các hộ tịch viên cũng gặp thì việc gì phải mang ra thi thố nên tôi đến với vòng chung khảo hội thi Hộ tịch viên giỏi các quận, huyện với một tâm trạng rất thờ ơ. Nhưng có đến rồi mới biết, hội thi có một sức lôi cuốn riêng, mang nhịp đập của cuộc sống.
Hội thi Hộ tịch viên giỏi huyện Từ Liêm năm 2011.
Nhà Văn hóa quận Cầu Giấy ngày thứ bảy đông nghịt người. Có người đến để động viên, cổ vũ cho thí sinh tham gia hội thi, người khác lại tò mò muốn đến để xem cuộc thi có gì khác biệt. Sau phần thi lý thuyết, hội thi thêm phần hào hứng khi chuyển sang phần bốc thăm câu hỏi tình huống. Mọi ánh mắt đều đổ dồn vào thí sinh mỗi khi gặp câu hỏi khó như: một buổi sáng sớm ra công viên tập thể dục, một người đàn bà phát hiện trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trên ghế đá, sau khi báo cáo phường, bà đã đem cháu về nhà nuôi dưỡng. Một tuần sau, bà ra UBND phường yêu cầu làm đăng ký khai sinh cho bé nhưng UBND phường từ chối vì cần phải chờ thêm một thời gian nữa. Cách làm này có đúng không và thủ tục làm đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi gồm những gì? Hay chuyện hai nhà thỏa thuận cho nhau nhận con nuôi nhưng bố mẹ đẻ của con không chịu ra phường làm thủ tục thì phải xử lý như thế nào?... Tại các quận, huyện khác cũng có rất nhiều tình huống từ đời sống hằng ngày được đưa vào hội thi để " thử tài" các hộ tịch viên. Ghi nhầm ngày, tháng, năm sinh của vợ, chồng trong giấy đăng ký kết hôn nên bị yêu cầu phải đổi lại giấy đăng ký là một tình huống tại hội thi của quận Thanh Xuân. Hay tại Phúc Thọ, Ban tổ chức đã lấy tình huống xuất phát từ thói quen tại địa phương lấy tên đệm của người cha làm đăng ký khai sinh cho con để làm câu hỏi. Tại các hội thi, dù câu hỏi có hóc búa đến đâu nhưng bằng bản lĩnh cùng sự tự tin, hiểu biết đối với các quy định của pháp luật về quản lý và đăng ký hộ tịch, các thí sinh đã thể hiện tốt phần thi và nhận được những tràng pháo tay khen thưởng.
Mang đến hội thi tiểu phẩm "con nuôi - nuôi con", anh Đỗ Đắc Tiến, cán bộ tư pháp hộ tịch xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm cho biết: ''Lần đầu thử sức làm đạo diễn, từ việc xây dựng cấu trúc tình huống, phân vai rồi soạn lời thoại cho nhân vật, lúc đầu tôi hết sức bỡ ngỡ. Nhưng nhờ các tình huống tiếp công dân thường ngày vốn rất đa dạng, phong phú, không chỉ đơn thuần là áp dụng "khô cứng", "công thức" các quy định pháp luật nên với tôi cuộc thi rất gần gũi, như đời sống hằng ngày vậy''.
Một kênh tuyên truyền hiệu quả
Ông Phạm Xuân Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, Phó trưởng ban Tổ chức hội thi cho biết: "Hội thi Hộ tịch viên giỏi TP Hà Nội năm 2011 là cuộc thi có quy mô lớn nhất được tổ chức từ cấp cơ sở đến TP từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính đến nay nhằm đánh giá thực trạng chuyên môn, kiến thức pháp luật của cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã; phát hiện, nhân rộng những kinh nghiệm hay, điển hình xuất sắc trong công tác quản lý và đăng ký hộ tịch. Những tình huống trong hội thi không chỉ được đưa ra trên sân khấu mà trong công việc hằng ngày tại cơ sở, bất cứ cán bộ tư pháp hộ tịch nào cũng có thể gặp phải. Thậm chí có nhiều tình huống còn "gai góc", phức tạp hơn, đòi hỏi người cán bộ hộ tịch phải có trình độ, bản lĩnh và kinh nghiệm nghề nghiệp''.
Thực tiễn tổ chức hội thi ở cơ sở cho thấy, cán bộ tư pháp hộ tịch đã nắm vững các quy định pháp luật về quản lý và đăng ký hộ tịch; linh hoạt trong việc áp dụng quy định của pháp luật và xử lý tình huống cho công dân; ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình. Nhiều quận, huyện đã tổ chức hội thi thiết thực hiệu quả, được dư luận và quần chúng nhân dân đánh giá cao như: Phúc Thọ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên, Chương Mỹ, Mê Linh, Đan Phượng, thị xã Sơn Tây…
Làm thế nào để luật đi vào cuộc sống vẫn luôn là câu hỏi được các cấp chính quyền đặt ra. Thực tế cho thấy, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật không khó, nhưng để người được tuyên truyền nhớ thì lại không dễ. Nhưng với hội thi Hộ tịch viên giỏi, dưới cách xử lý tình huống pháp luật bằng các tiểu phẩm dự thi, các quy định pháp luật vốn khô khan lại trở nên dễ hiểu, dễ nhớ, nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân. Bà Trần Bích Vân, ở Tư Đình, Long Biên chia sẻ cách cán bộ tư pháp hộ tịch giải quyết tình huống đã giúp người dân nắm rõ các quy định của pháp luật rõ ràng, dễ hiểu hơn. Ngoài ra, các tiểu phẩm dự thi được xây dựng sinh động, phản ánh đúng thực tiễn cuộc sống nên tạo hứng thú và lôi cuốn được người xem. Qua đó, cán bộ tư pháp hộ tịch có điều kiện bồi dưỡng thêm kiến thức pháp luật về đăng ký, quản lý hộ tịch để phục vụ nhu cầu của người dân tốt hơn. Đó chính là hiệu quả "kép" mà hội thi Hộ tịch viên giỏi mang lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.