Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một huyền thoại có thật

Vân Anh| 03/04/2010 08:20

(HNM) - Với bệnh nhân Nguyễn Thị T., 25 tuổi, ở Sóc Sơn, Hà Nội, ngày 2-4 là một ngày không thể nào quên: được sống trở về với gia đình sau khi bị cúm A/H5N1 với biến chứng suy đa phủ tạng nặng.

Thành quả ấy đã khẳng định sự tiến bộ vượt bậc của nền y học nước nhà. Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai (chủ công là Khoa Hồi sức tích cực) đã áp dụng hiệu quả phương pháp lọc máu liên tục thông qua quả lọc hấp phụ các chất nội độc tố để giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh với loại virút nguy hiểm, đưa người mẹ trẻ trở về bên đứa con mới sinh chưa đầy 3 tháng tuổi.

Sự sống chỉ còn trong gang tấc
Ngày 10-3, bệnh nhân T. được chuyển từ Bệnh viện (BV) Bắc Thăng Long đến Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai trong tình trạng rất nguy kịch: sốt cao 41 độ, suy hô hấp nặng (khó thở dữ dội, tím tái), nhịp tim nhanh, mạch 120-130 lần/phút, huyết áp tụt 80-90/60 mmHg. Một ngày sau đó, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ khẳng định kết quả kiểm nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân dương tính với cúm A/H5N1.

Việc điều trị bằng thuốc kháng virút Tamiflu khi đó còn rất ít tác dụng, vì bệnh nhân đến viện quá muộn (Tamiflu có tác dụng tốt khi được sử dụng trong vòng 48 giờ đồng hồ); nồng độ oxy máu rất thấp, chỉ còn 43 mmHg (thông thường dưới 50 mmHg đã có nguy cơ tử vong); biến chứng suy đa phủ tạng (suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy thận, rối loạn đông máu, rối loạn chuyển hóa, nhiễm trùng nặng)…

Với sự kiên trì và sáng tạo trong việc "biến hóa" các phương pháp điều trị để đạt hiệu quả cao nhất của tập thể thầy thuốc, sau 7 ngày điều trị (có 3 lần tưởng như bệnh nhân đã tử vong), tình trạng suy hô hấp và suy các tạng dần được cải thiện. Đến ngày thứ 10, chức năng của tim, phổi, gan, thận... trở về bình thường, các máy hỗ trợ chức năng sống cho bệnh nhân đã được tháo bỏ hoàn toàn.

Lại thêm một kỳ tích
Cho đến nay, cứu sống thành công bệnh nhân mắc cúm A/H5N1 đã được ghi nhận là một "kỳ tích" của ngành y Việt Nam, bởi tỷ lệ tử vong có thời điểm lên tới 100%. Điển hình, năm 2009, nước ta có 5 ca mắc thì cả 5 ca đều tử vong. Trong 3 tháng đầu năm 2010, có 4 ca mắc thì 2 ca tử vong.

Đây là lần thứ 3 liên tiếp trong vòng một năm, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cứu sống các bà mẹ bị suy đa phủ tạng. Cả 3 lần đều được ghi nhận là “kỳ tích” không chỉ là đối với lịch sử ngành y Việt Nam mà còn là lịch sử ngành y thế giới. 2 lần trước đó là sản phụ sau sinh phải truyền tới 60 lít máu, các chế phẩm từ máu; mẹ con sản phụ bị nhiễm cúm A/H1N1, lần đầu tiên sử dụng Tamiflu cho bệnh nhi nhỏ ngày tuổi nhất trên thế giới. "Chiến công" của các chiến sỹ áo trắng Khoa Hồi sức cấp cứu ngày càng dày thêm, nhiều người con được đoàn tụ với cha mẹ, vợ được đoàn tụ với chồng... Làm những việc mang ý nghĩa lớn lao là vậy, nhưng PGS-TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chỉ suy nghĩ đơn giản: Đó là việc cần phải làm vì nghề, vì nghiệp và vì con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một huyền thoại có thật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.