(HNMO)- Giải thưởng thơ Bách Việt 2009 đã chính thức chọn được tác phẩm đoạt giải của năm là: “Một hôm núi khóc”, tác giả Phạm Phú Hải (Quảng Nam). Điều đặc biệt là tác phẩm được lọt vào vòng chung khảo ngay sau khi ông mất.
(HNMO)- Giải thưởng thơ Bách Việt 2009 đã chính thức chọn được tác phẩm đoạt giải của năm là: “Một hôm núi khóc”, tác giả Phạm Phú Hải (Quảng Nam). Điều đặc biệt là tác phẩm được lọt vào vòng chung khảo ngay sau khi ông mất.
“Một hôm núi khóc” là tập thơ mà Phạm Phú Hải viết, nhưng không mấy quan tâm đến hình thức. Ông chỉ cốt sao nói lên được điều mình muốn nói. Trong ngôi nhà cổ điển của thơ ngụ ngôn, thất ngôn, lục bát, thất ngôn bát cú ông đã bày ra thế giới Phạm Phú Hải - Thế giới được phát sáng bởi chính tâm hồn ông.
Phạm Phú Hải sinh năm 1950 tại Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam. Ông làm thơ từ năm 14 tuổi. Bị bệnh tâm thần phân liệt từ năm 1972, từ đó sống với mẹ già tại Đà Nẵng. 1 giờ 45 phút sáng ngày 06 tháng 5 năm 2009, ông qua đời tại nhà riêng sau cơn tai biến. Ông được mai táng tại nghĩa trang xã Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam.
Nhà thơ Phạm Phú Hải |
“Một hôm núi khóc” là một nỗi bi thương. Có những tra vấn đến kiệt cùng sức lực, đau đáu những trăn trở thẳm sâu về cuộc sống. Có những suy nghĩ lạ lùng và táo bạo dành cho thơ mà chỉ có Phạm Phú Hải mới nghĩ ra: “Một năm có bốn mùa. Nhưng tôi biết có một mùa thứ năm/Không gian có bốn phương/Nhưng tôi biết có một phương thứ năm/Tôi đang sống/Trong mùa và phương không tên gọi đó”. Nhưng cũng chính trong thơ ông, người đọc cảm nhận được niềm xúc động sâu sắc bởi hình ảnh đẹp đẽ, lớn lao của con người. Phạm Phú Hải đến với thơ trong nỗi cô độc, trái tim yêu thương cuộc sống mãnh liệt nhưng cũng thư thái nhẹ nhàng chờ một ngày thanh thoát an nhiên. Trước ngày tìm về miên viễn với tiếng khóc của thiên thu (ngày 6/5/2009), ông đã viết những dòng thơ như để từ tạ chính mình: “Tiếng khóc ngàn xưa hơn một lần tôi đã/Và ngày mai tôi sẽ lại bắt đầu...”.
Cả cuộc đời Phạm Phú Hải chưa cho in tập thơ nào, dù đã sáng tác hơn 1000 bài thơ ở đa thể loại, tính ra khoảng 16.000 câu. Đời ông gặp nhiều chuyện không may, do đó các bản thảo không tự giữ được. Hồi thập niên 90, bạn bè ông gom góp lại tập thơ Gánh nước tưới sông sáng tác năm 1972, đặt lại tên Thâm lâm ngâm định xuất bản, nhưng cũng chưa in được. Năm 2009, bạn bè tiếp tục góp thơ ông thành tập Một hôm núi khóc để gửi dự giải thưởng Thơ Bách Việt, tập thơ sau đó đã được chọn vào vòng chung khảo (sau khi ông mất) và đoạt giải thưởng Thơ Bách Việt với 3/2 số phiếu bầu.
Cũng trong buổi trao giải thưởng Thơ Bách Việt 2009, ông Lê Thanh Huy - Giám đốc Công ty Sách Bách Việt đã gửi lời cảm ơn tới sự nỗ lực của Ban định Giải thưởng Thơ Bách Việt trong thời gian qua, cảm ơn sự quan tâm của các cơ quan báo chí, chia sẻ những cố gắng của riêng cá nhân hoặc công ty để có thể duy trì sân chơi cho các nhà thơ Việt Nam hiện đại. Đồng thời thông báo Giải thơ Bách Việt lần thứ Ba có sự thay đổi là thời gian tham dự giải sẽ kéo dài trong 2 năm 2010-2011. Giải thưởng Thơ Bách Việt lần Ba nhận bản thảo dự thi từ ngày 1/2/2009 đến ngày 30/11/2011và được trao vào ngày Rằm tháng Chạp hàng năm.
Với Hội đồng Thẩm định gồm: Nhà thơ Giáng Vân (Trưởng ban thẩm định - Hà Nội); Nhà thơ Thi Hoàng (Hải Phòng); Nhà thơ Ý Nhi (TP HCM); Nhà văn Nguyễn Bình Phương (Hà Nội); Nhà thơ Phùng Tấn Đông (Quảng Nam). Hội đồng Thẩm định bảo đảm sự công bằng, khách quan trong việc đọc thẩm định bản thảo của các tác giả gửi đến, từ đó chọn lựa những bản thảo có giá trị về nội dung và nghệ thuật để xuất bản và giới thiệu trước công chúng.
Giải thưởng Thơ Bách Việt chọn in 5 tác phẩm dành cho 5 tác giả có bản thảo đạt yêu cầu của Hội đồng thẩm định và Ban tổ chức. Giải thưởng Thơ Bách Việt trị giá 30.000.000 đồng sẽ được trao cho tác phẩm xuất sắc nhất theo đánh giá của Hội đồng thẩm định. Những tác phẩm được chọn in, ngoài việc được trao giải sẽ được trả nhuận bút theo chế độ nhuận bút xuất bản chung của Công ty Sách Bách Việt và được phát hành rộng rãi trên thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.