(HNM) - Hơn 3 năm nay, Hội LHPN TP Hà Nội thực hiện dự án
Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được nhiều tổ chức quan tâm, chăm sóc. Ảnh: Thái Hiền
Từ ngày Trung tâm tư vấn Nụ cười của mặt trời được thành lập, cuộc sống của bé Nguyễn Thị Hồng N. (ở xã Uy Nỗ, Đông Anh, Hà Nội) thay đổi hẳn. Được tham gia sinh hoạt ở trung tâm, vui chơi, hỗ trợ học văn hóa, học tiếng Anh, bé không còn vẻ nhút nhát, sợ sệt mỗi khi đến lớp. Kết quả học tập của bé ngày một cải thiện. Gắn bó với trung tâm, mẹ bé - chị Trịnh Thị H. thấy cuộc đời ý nghĩa hơn. Nhiễm HIV từ chồng, chị bị người làng kỳ thị, ít ai dám gần gũi. Sức khỏe của chị ngày một sút giảm, cuộc sống của gia đình chị rất khó khăn. Từ ngày trung tâm thành lập, chị cùng với 14 tình nguyện viên phụ trách điều hành. Được tham gia các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, chị hiểu phụ nữ và trẻ nhiễm HIV là những nạn nhân, rất cần được chăm sóc, bảo vệ, nhưng cũng cần phải biết tự vươn lên. Là người đồng cảnh, chị rất hiểu và thông cảm với các mẹ, các bé bị nhiễm và có người thân nhiễm HIV. Vừa điều hành các hoạt động tại trung tâm, chị vừa tranh thủ tư vấn cho các mẹ, dạy chữ cho các bé khuyết tật. Thường xuyên được tập huấn về tâm lý trẻ, cách chăm sóc trẻ em các lứa tuổi, cách phòng tránh lây nhiễm, chị H. và phụ nữ trong làng đã có cơ hội nâng cao nhận thức, xích lại gần nhau, dũng cảm lên tiếng bảo vệ quyền lợi trẻ bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV.
Đến với Trung tâm tư vấn Nụ cười của mặt trời tại Nhà Văn hóa thôn Hậu (xã Uy Nỗ, Đông Anh, Hà Nội), lũ trẻ mồ côi, khuyết tật, có cha mẹ bị nhiễm và chết vì HIV như được đổi đời. Với 1 phòng vui chơi, 1 phòng học, 1 bếp, trung tâm được trang bị đồ chơi, sách, truyện tranh, tivi, đầu đĩa, đồ dùng học tập, học vẽ, học tiếng Anh… cho các lứa tuổi. Trước đó, Hội LHPN huyện Đông Anh đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, nâng cao nhận thức về HIV/AIDS, phương pháp phòng tránh lây nhiễm. Nhờ vậy, sự kỳ thị với trẻ có nguy cơ cao đã giảm hẳn, các bé thực sự được vui chơi hòa nhập. Ở nông thôn, sức hấp dẫn của một sân chơi thân thiện, đầy đủ đã nhanh chóng thu hút được trẻ trong diện được hỗ trợ của dự án cũng như trẻ sống ở khu vực lân cận. Ngày thường, trung tâm mở cửa từ sáng đến trưa, là nơi vui chơi, giải trí cho các mẹ và bé. Thứ bảy, trung tâm tổ chức dạy tiếng Anh. Ngày chủ nhật, các bé được học vẽ, sinh hoạt, vui chơi tập trung, bổ sung kiến thức văn hóa.
Cùng với tăng cường năng lực hỗ trợ của cộng đồng, với các bé có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mất nguồn nuôi dưỡng, dự án đưa vào chương trình chăm nuôi tạm thời, chuyển giao cho các gia đình tình nguyện. Dưới sự hỗ trợ của cán bộ dự án, 16 bé đã được chăm sóc đầy đủ, bảo đảm quyền được học tập, vui chơi hòa nhập. Qua 3 năm triển khai dự án, hơn 600 trẻ (trong đó có nhiều bé nhiễm HIV, mồ côi, khuyết tật) và hàng chục phụ nữ đã được chăm sóc và nâng cao năng lực, bảo đảm quyền phát triển cho trẻ em thiệt thòi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.