Tôi gọi Hà Huy Hoàng là “nhà bình luận văn học” vì nguyên bản anh là nhà thơ, còn chính anh lại không dám ngộ nhận bản thân là nhà phê bình. Bởi thực chất trong hai tập “Ngẫu cảm văn chương”, mỗi trang viết Hà Huy Hoàng không phê gì cả, mà chủ yếu bàn luận.
Nếu “Ngẫu cảm văn chương” lần đầu ra mắt là cảm xúc về những tác phẩm của các “cây đa cây đề” trong làng văn như Phùng Quán, Bế Kiến Quốc, Hữu Loan, Trúc Thông... thì ở “Ngẫu cảm văn chương 2” mới “chào đời” cách đây chưa lâu, 36 gương mặt xuất hiện trong tập sách là các cây bút nổi tiếng như Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều, Phạm Đương, Trần Cao Duyên, Mai Hoàng Dũng, Đỗ Trung Lai, Hồ Thi Ca, Ngô Nhật Lê...
Hà Huy Hoàng không mơ mộng được trở thành nhà phê bình. Với anh, tác phẩm như ngôi nhà để tác giả có cơ hội thấu hiểu bạn thơ. Duyên thơ đưa đẩy để anh được gặp và tần số cảm xúc khiến anh phải đẩy những dòng suy tưởng lên trang giấy. Hoặc có đôi khi anh tâm đắc với những thi phẩm từng được đọc, rồi không thể không phơi tiếng lòng của nhà thơ qua lăng kính cảm nhận của riêng mình lên trang viết. Không nặng nề vấn đề phê bình học thuật, Hà Huy Hoàng “đãi cát tìm vàng” chứ không “vạch lá tìm sâu”, điều ấy khiến bài bình thơ của anh không nặng nề, người đọc dễ tiếp thu. Tuy nhiên, đó cũng chính là nhược điểm của anh, ngăn trở anh tiến qua biên giới, đến vùng đất của những nhà phê bình thực thụ.
Tuy nhiên, không phải Hà Huy Hoàng không có sự đánh giá, không có quan điểm riêng. Chẳng hạn, trong bài cảm nhận về bài thơ “Vú em” của nhà thơ Tố Hữu, anh thể hiện sự bất đồng quan điểm với nhà thơ Vũ Quần Phương khi ông cho rằng nếu không có cách mạng thì sẽ không có Tố Hữu. Hà Huy Hoàng viết: “Tôi không nghĩ vậy. Tôi tin rằng ví như không đi làm cách mạng, Tố Hữu vẫn cứ sống và sáng tác văn chương thuần túy như các nhà Thơ mới thì ông vẫn thành công, vẫn nổi tiếng như thường”.
Hà Huy Hoàng luôn cảm nhận, đánh giá được cái hay, cái dở, cái đúng, cái sai theo quan điểm của riêng mình, nhưng khi thể hiện qua cây bút, ông luôn muốn trang viết của mình trong sáng, dung chứa những điều đẹp đẽ nhất. Không nịnh hót, không chỉ trích, không đặt điều là “ba không” mà người đọc sẽ ấn tượng khi nhẩn nha từng câu trong “Ngẫu cảm văn chương 2”.
Có thể nói, đây là tập sách rất “đẹp”, phù hợp với những người yêu và dõi mắt về phía cái đẹp của văn chương. Đọc “Ngẫu cảm văn chương 2”, độc giả sẽ được chạm vào từng ngõ thơ, có mặn mà, ngọt ngào, đắng chát, để rồi tâm hồn lắng đọng, thăng hoa với thơ và bình thơ.
Nhận xét về những tác phẩm bình thơ của Hà Huy Hoàng, nhà nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học Mai Bá Ấn cho rằng: “Không lệ thuộc vào bất cứ một lý thuyết, lý luận nào, cảm nhận văn chương của Hà Huy Hoàng là những rung cảm tự nhiên xuất phát từ sự đồng cảm trước đối tượng. Hoàng viết cảm nhận thơ giống như khi anh làm thơ. Nếu rung cảm trước hiện thực khiến anh bật thành thơ thì chính rung cảm trước bài thơ khiến anh bật thành “ngẫu cảm”. Và tình cờ, ở đây, ta lại gặp lý thuyết tiếp nhận hiện đại, mà Hà Huy Hoàng là một “đồng sáng tạo” cùng tác giả những bài thơ”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.