(HNMO) - Một đồng ngân sách bỏ ra phải thu hút từ 11 - 15 đồng từ xã hội. Điều này thể hiện hiệu quả thu hút đầu tư của thành phố đối với 7 Chương trình đột phá.
Tại cuộc họp, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết, đầu năm 2017, thành phố sẽ bắt tay triển khai đồng bộ kế hoạch 7 Chương trình đột phá bởi thời gian chỉ còn 3 năm để hoàn thành. Để thực hiện nhiệm vụ này, ông Tuyến cho rằng cần thay đổi hình thức đầu tư có sự tính toán hợp lý việc sử dụng vốn ngân sách với tỷ lệ và khả năng được phân bổ hàng năm.
“Làm sao để một đồng vốn ngân sách bỏ ra phải huy động được càng nhiều nguồn vốn từ xã hội, tỷ lệ này hiện nay là 1/11, phải phấn đấu tăng lên 1/15”, ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh.
Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hồ Chí Minh, ước tính tổng nguồn vốn cho các dự án thuộc 7 Chương trình đột phá của thành phố giai đoạn 2016 - 2020 lên đến 1 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, khả năng cân đối từ nguồn vốn ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 60%. Trong khi đó, thu ngân sách của thành phố đang ngày càng khó khăn, chưa kể khả năng cắt giảm sẽ ảnh hưởng đến việc điều tiết, sử dụng vốn ngân sách cho đầu tư, phát triển của thành phố.
Chính vì vậy, ông Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu các Sở, ban ngành rà soát lại các dự án cần kêu gọi đầu tư, ưu tiên dự án nào trước dự án nào sau, đồng thời phải thay đổi cơ chế, chính sách thu hút đầu tư mới hấp dẫn được các nhà đầu tư, qua đó huy động được càng nhiều nguồn vốn từ xã hội.
Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đã thông qua 7 Chương trình đột phá thực hiện trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 gồm: Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Chương trình cải cách hành chính; Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố; Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; Chương trình giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Chương trình giảm ô nhiễm môi trường; Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.