Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một đời tìm tòi, phụng sự văn hóa dân tộc

Khải Đăng| 14/07/2014 06:59

(HNM) - Nhà xuất bản Văn học và Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây vừa cho ra mắt cuốn sách

Với 400 trang, "Học giả Đào Duy Anh" là cuốn sách đầu tiên tập hợp các bài viết trong nước về ông trong suốt hơn 70 năm qua, tôn vinh và ghi nhận sự đóng góp của GS Đào Duy Anh đối với việc xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Là những người thuộc thế hệ hậu sinh, chỉ được biết đến Đào Duy Anh qua những trang sách của ông, nhưng với lòng ngưỡng mộ và kính trọng một bậc học giả đã dành trọn đời mình cho đất nước, cho văn hóa dân tộc, những người biên soạn đã tập hợp các bài viết về Đào Duy Anh trong cuốn sách này, mong muốn góp phần dựng lại chân dung của một học giả tiêu biểu của đất nước.

31 bài viết của 29 tác giả được chia làm hai phần chính. Phần thứ nhất gồm những bài viết ghi lại những cảm xúc, kỷ niệm đối với một học giả lớn, một người thầy lớn, một con người đáng kính. Phần thứ hai gồm các bài nghiên cứu, đưa ra sự đánh giá về những đóng góp của Đào Duy Anh trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa dân tộc và ảnh hưởng của ông đối với xã hội, với những thế hệ sau.

Bạn đọc có thể tiếp cận Đào Duy Anh qua hồi ức và kỷ niệm về ông của những người thân: Bản tổng kết trong lễ mừng thọ ông 80 tuổi do người em ruột là Đào Duy Dzếnh (tức Đào Phan) - nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng (có chức năng như Thành ủy) Hà Nội năm 1941 - chấp bút; quá trình Đào Duy Anh làm báo "Tiếng Dân" với cụ Huỳnh Thúc Kháng do người con trai là Đào Hùng khắc họa; "số phận long đong" của cuốn "Từ điển Truyện Kiều" được chính người em dâu là bà Trần Thị Minh Châu (nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản) kể lại.

Bao trùm cuốn sách là thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của Đào Duy Anh, hành trình đi từ tinh thần yêu nước, yêu văn hóa dân tộc đến hoạt động khoa học. Qua các bài viết của các học trò - đều là những nhà sử học có uy tín trong nước như GS Hà Văn Tấn, GS Trần Quốc Vượng, GS Phan Huy Lê, hay những nghiên cứu của các chuyên gia về văn hóa (PGS.TS Đỗ Lai Thúy), tôn giáo (GS.TS Đỗ Quang Hưng)... chân dung khoa học của Đào Duy Anh hiện lên, thật đáng khâm phục. Đứng trước những vấn đề của thực tiễn văn hóa dân tộc, cũng như nhiều trí thức khác, khát vọng của ông là góp phần gây dựng nền văn hóa riêng cho dân tộc mình, một nền văn hóa giàu bản sắc, có khả năng tiếp thu tinh hoa của các dân tộc khác và nhất là phải tự chủ trong quá trình tiếp xúc, giao lưu với thế giới. Cả cuộc đời ông đã đeo đuổi, kiên trì và nhất quán cho sự nghiệp đó với một niềm tin mãnh liệt vào sức sống của dân tộc cũng như con đường mình đã lựa chọn. Ông luôn đứng vững trên mặt trận văn hóa, cần cù lao động khoa học với một tấm lòng yêu văn hóa dân tộc tha thiết, bất chấp những sóng gió trong cuộc đời không dễ gì có thể vượt qua.

Trước khi từ giã thế gian, trong hồi ký "Nhớ nghĩ chiều hôm", Đào Duy Anh đã tổng kết đầy đủ và sâu sắc toàn bộ cuộc đời mình: "Cái khía cạnh chủ đạo là sự diễn biến tư tưởng của tôi từng bước đi vào chủ nghĩa Mác để lấy nó làm kim chỉ nam hướng dẫn mọi hoạt động của tôi trong lĩnh vực nghiên cứu và tư tưởng, vì đời tôi thực ra không phải là một cuộc đời hoạt động chính trị, mà là cuộc đời tìm tòi và phục vụ về văn hóa của một người trí thức mà thôi". Cuốn sách này khắc họa chân dung ông dựa trên quan điểm đó.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một đời tìm tòi, phụng sự văn hóa dân tộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.