(HNM) - Trong tuần, dư luận xôn xao vì chuyện giám đốc và các chức danh chủ chốt của một số doanh nghiệp công ích tại TP Hồ Chí Minh (Công ty một thành viên Thoát nước đô thị, Công ty một thành viên Chiếu sáng công cộng, Công ty một thành viên Công trình giao thông và Công ty một thành viên Công viên cây xanh) nhận mức lương ngất trời, cao nhất tới 2,6 tỷ đồng/năm.
Mức lương của các "sếp" ở những công ty nói trên "khủng" đến mức mà Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng phải thảng thốt: "Tôi cũng choáng!". Dĩ nhiên cả dư luận cùng choáng. Còn những người công nhân dưới quyền của các sếp này thì ngậm ngùi: "Mấy ổng đâu biết mùi của nước cống là thế nào đâu, sao lại "ăn" lương khiếp thế?".
Nhận lương cao nếu đi kèm với hiệu quả công việc cao cũng là chuyện bình thường. Nhưng ở đây cả mấy trường hợp các "sếp" nhận lương hàng tỷ đồng mỗi năm lại đều là các công ty công ích, hiệu quả công việc không dễ đánh giá và việc chi trả lương phải tuân thủ theo các quy định chung của nhà nước.
Sai phạm đã rõ, nhưng xử lý ra sao xem ra còn nhiều chuyện phải bàn. Thực tế, có không ít vị lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước trong quá trình thi hành công vụ có sai sót (cố ý hoặc vô ý) gây thiệt hại cho tập thể, thất thoát tài sản công hoặc có hành vi bòn rút công quỹ bằng cách này hay cách khác, đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đó có thể là hành vi cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, đó cũng có thể là hành vi tham ô, tham nhũng, tuy nhiên trong một số vụ việc giá trị tài sản thất thoát, bị bòn rút còn thấp hơn nhiều so với số lương "khủng" vượt mức của các trường hợp nói trên.
Theo phản ánh của dư luận thì mức lương 2,6 tỷ đồng/năm của Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị cao gấp 41 lần lương của người lao động mùa vụ (bình quân 5,43 triệu đồng/tháng), và nếu tính theo ngày thì trung bình sếp này nhận tới 8,3 triệu đồng cho mỗi "8 giờ vàng ngọc". Sự chênh lệch khủng khiếp này cũng chính là lời khẳng định cho mức độ nghiêm trọng của việc chi trả lương sai nói trên, họ đã cố ý không thực hiện đúng các quy định của Nhà nước, và ở đây mục đích là vụ lợi cá nhân, bòn rút tiền ngân sách - tức là tiền của nhân dân! Đây chắc chắn là một dạng hành vi tham nhũng điển hình, cần có biện pháp xử lý cứng rắn theo quy định của pháp luật. Vấn đề bây giờ không chỉ là truy thu số tiền chi không đúng quy định, cũng không thể chỉ là đương sự nói lời xin lỗi hay cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật công vụ, mà cần thiết phải xem xét truy tố những người cố ý làm trái quy định của Nhà nước để trục lợi một cách hệ thống và kéo dài.
Vụ việc đã gây bức xúc cao độ trong dư luận, đồng thời nó còn hé lộ thêm một thực tế khác về việc quản lý tài chính trong các doanh nghiệp nhà nước đang bị buông lỏng. Vì thế cần có cơ quan thanh tra, kiểm toán vào cuộc để làm rõ các vấn đề sai phạm, những ai phải chịu trách nhiệm. Nếu không hành động quyết liệt, không đưa ra ngay những giải pháp xử lý thì đây sẽ là cơ hội cho tham nhũng, cơ hội cho những quan tham khác "chưa bị lộ" có cơ hội bòn rút tiền công quỹ, tiền đóng thuế của nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.