(HNM) - Sự kiện Bệnh viện (BV) Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận thành công kỹ thuật tim mạch can thiệp - một trong những kỹ thuật khó của chuyên ngành tim mạch từ sự chuyển giao của BV Tim Hà Nội một lần nữa cho thấy, những tiến bộ của y học hiện đại đang đến gần hơn với người dân.
Từ những hành trình ý nghĩa…
Hiện cả nước có khoảng 1,4 triệu người mắc các bệnh liên quan đến tim mạch. Chính vì vậy, PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Tim Hà Nội luôn tâm niệm, việc chuyển giao các kỹ thuật can thiệp tim mạch cho các BV địa phương có ý nghĩa rất quan trọng. Nó giúp cơ sở y tế tuyến dưới nâng cao được năng lực điều trị và tạo cơ hội được sống, sống khỏe cho nhiều bệnh nhân có trái tim "lỗi nhịp".
Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn làm chủ kỹ thuật tim mạch can thiệp đã góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Ảnh: Minh Trung |
Để những kỹ thuật tiên tiến không chỉ được áp dụng tại các BV trung ương, BV của Hà Nội mà ngay cả người bệnh ở vùng sâu, vùng xa được chẩn đoán và điều trị bằng trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại do chính các thầy thuốc địa phương đảm nhiệm, hành trình "Vì một trái tim khỏe" của BV Tim Hà Nội đã mang kỹ thuật can thiệp tim mạch tới hơn 20 BV trên cả nước. Nhớ lại hành trình vượt hơn 1.200km đến tỉnh Gia Lai để đào tạo và chuyển giao kỹ thuật về chuyên ngành tim mạch, PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn cho biết, do mô hình bệnh tật thay đổi nhanh chóng, số lượng bệnh nhân tim mạch tăng nhanh, nhiều bệnh lý nặng, phức tạp nên dù ngành y tế tỉnh Gia Lai đã có rất nhiều tiến bộ trong công tác khám, chữa bệnh nhưng năng lực về chuyên ngành tim mạch vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Chính vì vậy, ngoài việc tổ chức buổi tập huấn cập nhật những kiến thức mới về tim mạch cho hơn 100 bác sĩ đến từ tất cả các tuyến y tế cơ sở tỉnh Gia Lai, PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn đã trực tiếp đến thăm các BV, thăm các khoa khám bệnh, khoa hồi sức, khoa nội, từ đó đề ra chiến lược phát triển chuyên khoa tim mạch nơi đây, đồng thời cam kết hỗ trợ toàn diện cho BV tỉnh phát triển chuyên ngành tim mạch trong thời gian ngắn nhất.
Tương tự, từ tháng 3-2013 đến nay, các bác sĩ của BV Tim Hà Nội thường xuyên có mặt tại BV Bãi Cháy (Quảng Ninh) để cùng các bác sĩ ở đây thực hiện các ca can thiệp khó. Tính đến nay, BV Tim Hà Nội đã cử 55 lượt cán bộ thực hiện chuyển giao kỹ thuật tại BV này, giúp đội ngũ bác sĩ của BV Bãi Cháy trưởng thành nhanh chóng, thực hiện được nhiều kỹ thuật tim mạch rất khó - những kỹ thuật mà trước đây BV không thể thực hiện được, phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Với phương thức "cầm tay chỉ việc", mỗi hành trình "Vì một trái tim khỏe" đều gói trọn cả một ê kíp, từ lãnh đạo, bác sĩ giỏi cho đến y tá, điều dưỡng của BV Tim Hà Nội để kịp thời ứng phó khi cần thiết và cũng để BV vệ tinh thực sự vững vàng. Nhờ đó, các kỹ thuật chuyển giao mang lại hiệu quả. Bệnh nhân nặng không còn phải đi xa để khám và điều trị, các chi phí được giảm đi rất nhiều.
Nhờ việc triển khai đồng bộ các giải pháp, tình trạng quá tải tại nhiều BV tuyến trung ương về cơ bản đã được giải quyết. Tính đến thời điểm hiện tại, có 58% số BV tuyến trung ương, 47% BV tuyến tỉnh đã giảm hẳn tình trạng nằm ghép ở một số khoa đông bệnh nhân; 25% số BV tuyến huyện đã tăng bệnh nhân và tăng trung bình gần 20% công suất sử dụng giường bệnh; 37,5% số BV vệ tinh đã giảm khoảng 25% bệnh nhân chuyển tuyến trên điều trị so với năm trước. |
... Đến sự thay đổi lớn
Đề cập đến những mặt được sau khi áp dụng đề án BV vệ tinh hay đề án luân chuyển cán bộ y tế (Đề án 1816), đại diện Bộ Y tế cho rằng, đó là tinh thần hỗ trợ giữa các đồng nghiệp với nhau. Khi mới triển khai, nhiều cán bộ y tế tuyến trên không muốn đi luân phiên xuống tuyến dưới. Nhưng khi xuống cơ sở, chứng kiến những khó khăn, vất vả, thiếu thốn của đồng nghiệp thì sự ngại ngần không còn nữa, thay vào đó là những đồng cảm lớn lao. Đề án này đã mang đến nhiều thay đổi lớn trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trên thực tế có nhiều trường hợp cấp cứu, nếu di chuyển xa, bệnh nhân có thể tử vong ngay trên đường đi. Thế nhưng, nếu được cấp cứu điều trị ở tuyến dưới, bệnh nhân sẽ có cơ hội sống. Hơn nữa, khi tuyến dưới thực hiện được các kỹ thuật cao thì sẽ giảm tải cho BV tuyến trên. Kết quả sau hai năm thực hiện đề án BV vệ tinh, đến nay, nhiều BV tuyến tỉnh, huyện đã làm chủ được các kỹ thuật y học chuyên sâu, hiện đại do BV hạt nhân chuyển giao, giúp người bệnh, nhất là người nghèo được tiếp cận và được sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại các cơ sở y tế tuyến dưới.
Sắp tới, Bộ Y tế sẽ đưa thêm một số chuyên khoa còn quá tải vào đề án BV vệ tinh như: Hô hấp, nội tiết, thần kinh (đột quỵ), hồi sức cấp cứu…, dần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của y tế tuyến dưới để tuyến trung ương "rảnh tay" tập trung phát triển thêm nhiều kỹ thuật cao ngang tầm khu vực và thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.