(HNM) - Những ngày cuối tháng 5, đường lên Điện Biên không còn sắc trắng của hoa Ban, cũng không thấy màu vàng rực rỡ của những bụi cúc quỳ...
Mặc dù Đại lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã qua ngót nghét gần tháng, chúng tôi và những người dân thôn Trát Cầu (xã Tiền Phong, huyện Thường Tín) vẫn tìm về mảnh đất lịch sử này. Ngoài ý nghĩa hành hương về nguồn, tri ân các Anh hùng liệt sĩ, dân làng Trát Cầu còn mang theo hàng trăm kiện hàng tặng bà con vùng sâu, vùng xa thuộc tỉnh Điện Biên...
Có "bát ăn, bát để", nhớ người khó khăn
Đúng hẹn, 9h30 sáng 25-5, chúng tôi có mặt tại nhà văn hóa thôn Trát Cầu, bất ngờ được chứng kiến bầu không khí của một ngày hội. Dưới cái nắng chói chang, hàng trăm con người, từ cụ già 70-80 tuổi đến đám thanh thiếu niên cười nói râm ran xen lẫn tiếng động cơ ầm ì, những chiếc ô tô vận tải, xe cải tiến, xe gắn máy... Một người đàn ông liên tục lên tiếng: "Đội 5 hay đội 6 đấy? Đội 7 à, chăn à?... mang vào đây, còn mì tôm, mì chính, quần áo thì để ở chỗ kia…". Chẳng mấy chốc, 3 dãy hiên, mỗi dãy dài cả chục mét và mặt sân rộng hơn 100m2 đã đầy ắp hàng hóa.
Người dân xã Nà Nhạn (Điện Biên) đón nhận quà tặng của làng nghề Trát Cầu, Hà Nội. |
Người đàn ông kể trên cho biết: "Tôi là Trần Văn Châu 42 tuổi, tuy là Trưởng thôn nhưng thuộc hàng con cháu. Làng nghề "Chăn - Ga - Gối - Đệm" Trát Cầu của chúng tôi được như ngày hôm nay là nhờ sự nỗ lực của nhiều lớp cán bộ đi trước và sự cố gắng chung của bà con nhân dân. Thôn có khoảng 900 hộ thì có gần 300 doanh nghiệp vừa và nhỏ, hàng trăm hộ sản xuất; nhà ở của người dân đã ngói hóa 100%, nhiều hộ xây dựng nhà 3, 4 tầng, đầy đủ tiện nghi… Nhưng mỗi khi đọc báo nghe đài, thấy nơi này nơi kia, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng rừng núi vẫn còn nhiều người sống thiếu thốn, bà con chúng tôi nghĩ rằng mình đã có "bát ăn, bát để" thì nên giúp đỡ đồng bào. Nhà chùa đứng lên tổ chức, kêu gọi phật tử, các doanh nghiệp, hộ sản xuất và người dân, thế là chúng tôi cùng góp công, góp của…
- Muốn lấy thông tin, các bác nhà báo đến hỏi nhà chùa cho rõ hơn…- Câu chuyện giữa chúng tôi và Trưởng thôn Trần Văn Châu tạm dừng khi có tiếng gọi của anh Nguyễn Đoàn Ngư, thương binh hạng 1/4, một trong những thành viên tích cực của phong trào đền ơn đáp nghĩa và công tác xã hội - từ thiện tại địa phương. Sư thầy Thích Đàm Dư, trụ trì chùa Trát Cầu chia sẻ: "Tất cả là nhờ phát tâm của phật tử và sự nhiệt tình ủng hộ của các doanh nghiệp, người dân làng nghề. Nhà chùa chỉ chắp nối công việc…".
- Bạch thầy! Chúng tôi được biết, chuyến đi này nhà chùa và bà con đã chuẩn bị rất công phu?... - Trả lời câu hỏi của chúng tôi, sư thầy nhỏ nhẹ: Công tác xã hội - từ thiện là việc làm thường niên của nhà chùa và người dân ở đây. Những năm trước, chúng tôi quyên góp ủng hộ bà con vùng bão lũ Hà Tĩnh, Quảng Bình, vùng núi cao Hà Giang… Năm nay, nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, thể theo nguyện vọng của đông đảo phật tử và người dân, ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, nhà chùa đã cùng đại diện thôn, các doanh nghiệp, các đoàn thể bàn bạc, thống nhất kế hoạch quyên góp giúp đỡ đồng bào vùng núi Điện Biên. Với tinh thần "của ít, lòng nhiều", "lá lành đùm lá rách", hầu hết hộ gia đình, các doanh nghiệp, bà con nhân dân đều tham gia đóng góp. Người ủng hộ hiện vật là những chiếc chăn bông, sản phẩm của làng nghề, người ủng hộ tiền mặt, ít thì một vài trăm, nhiều thì vài ba triệu, có doanh nghiệp ủng hộ cả chục triệu đồng. Nhà chùa và lãnh đạo thôn dự kiến mời một số phật tử, đại diện các doanh nghiệp và bà con có điều kiện về thời gian cùng lên Điện Biên để trao tặng bà con, nhưng dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014), các vị lãnh đạo trên đó cho biết, thời điểm này sẽ rất đông khách và tỉnh bận nhiều công việc, nên "hẹn" nhà chùa đến trung tuần hoặc cuối tháng 5. Và như các vị biết đấy, chiều muộn hôm nay mới có thể khởi hành lên Điện Biên...
Tất cả vì bà con vùng sâu, vùng xa
Nói là "chiều muộn", nhưng phải đến tối mới xuất phát, bởi suốt buổi chiều, Ban tổ chức bận giải quyết một số trường hợp phát sinh: số người tham gia đoàn vượt dự kiến, bà con tiếp tục đến đóng góp, ủng hộ tiền, hiện vật. Cuối cùng, khoảng 8 giờ tối Ban tổ chức mới chốt được danh sách, tham gia đoàn có 60 người, người cao tuổi nhất 77 tuổi, người nhỏ tuổi nhất 12 tuổi; đại diện "giới doanh nghiệp" gần 20 người, một số gương mặt tiêu biểu sản xuất kinh doanh giỏi, năng nổ, tích cực trong công tác xã hội - từ thiện... Tham gia đoàn còn có đại diện Ban hương lão, một số chức sắc Phật giáo: Đại đức Thích Đàm Tính, Trưởng ban Từ thiện Giáo hội Phật giáo huyện Thường Tín; Đại đức Thích Nguyên Kiền, trụ trì chùa Quốc Tuấn; Đại đức Thích Chánh Thuần, trụ trì chùa Cao Xá,... cùng một số phật tử và người dân địa phương.
"Giờ G" đã điểm (20h15 ngày 25-5), Trưởng đoàn, Đại đức Thích Đàm Dư nhỏ nhẹ: "Mời mọi người lên xe, ta đi kẻo muộn...". Chấp hành "lệnh hành quân", 7 chiếc ô tô các loại nối tiếp nhau (3 ô tô chở hàng, 4 ô tô chở khách) nhằm hướng quốc lộ 6, thẳng tiến lên Tây Bắc. Xe chạy liên tục, khoảng 3 tiếng đồng hồ dừng nghỉ một lần, 8h30 sáng hôm sau (26-5), đoàn công tác đến thị trấn Mường Ảng, huyện Mường Ảng, Điện Biên. Sau giây phút "tay bắt mặt mừng", Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mường Ảng Trương Quang Hải cất lời: "Xin mời nhà chùa và đoàn công tác đi xuống xã. Ở dưới đó bà con đang chờ...".
Thêm một lần "băng đèo lội suối", cung đường từ thị trấn Mường Ảng vào xã Nặm Lịch tuy không như đường đèo Pha Đin, nhưng có đến 3 "Pha Đin em" với những đỉnh dốc chót vót và nhiều khúc cua tay áo rợn người. Mặt đường bong tróc, trơ đá răm, đá hộc, "ổ gà", "ổ trâu" nối tiếp nhau, nhiều điểm ta luy dương sạt lở chưa kịp khắc phục, những cú xóc nảy người... Chỉ khoảng 13-14km nhưng phải mất hơn một tiếng đồng hồ mới đến được trụ sở UBND xã Nặm Lịch, Mường Ảng. Bỏ qua các thủ tục xã giao, chủ khách cùng bắt tay vào công việc: 200 chiếc chăn bông, 200 thùng mì tôm, 200 gói mì chính, nhiều thùng áo quần, sách vở được chuyển từ ô tô xuống, xếp ngay ngắn trên sân trụ sở UBND xã. Số hàng này được chia thành 200 suất (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng, trong đó có 100 nghìn tiền mặt) để tặng 200 hộ dân còn khó khăn của xã Nặm Lịch. Địa phương chưa có điện lưới nên không có loa phóng thanh, Chủ tịch HĐND huyện Mường Ảng, Chủ tịch UBND xã và một số cán bộ chức năng phải thay nhau nói như hét thì bà con mới nghe rõ xếp thành hàng rồi lần lượt theo danh sách nhận quà tặng. Một cụ ông ngoài 70 tuổi, tay nâng lên đặt xuống chiếc chăn bông mới nhận, giọng run run, rất khó hiểu, mấy thanh niên bản phải "tạm dịch": "Chăn thì chờ đến mùa đông, nhưng mì tôm, mì chính thì ăn được liền, lại còn cho cả tiền nữa. Cảm ơn lắm, cảm ơn lắm lắm…". Việc trao quà đến người dân xã Nặm Lịch, Mường Ảng hoàn tất chủ, khách đều thấm mệt nhưng ai nấy đều vui. Nhìn những con đường uốn lượn, lên cao, xuống thấp, những bóng áo chàm lắc lư bên chiếc chăn bông sặc sỡ khuất dần sau dãy núi phía xa, chúng tôi ngỡ rằng đó là những nốt nhạc của núi rừng Tây Bắc…
Chiều 27-5, một khung cảnh đẹp như thế nữa cũng đã diễn ra tại trụ sở UBND xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Đại diện 100 hộ gia đình, phần đông là bà con người Thái, người Mông sinh sống trên địa bàn về nhận quà tặng của người dân làng nghề. Tại đây, ngoài món quà như đã trao tặng bà con bên xã Nặm Lịch, Mường Ảng, mỗi suất quà còn có thêm một bộ đồng phục do các phật tử mua để dâng cúng tại lễ cầu siêu ở Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên. Một việc làm thật ý nghĩa, đậm nét tâm linh nhưng cũng rất thiết thực…
Sẽ là có lỗi, nếu bài viết này không dành đôi dòng nói về tình cảm, sự thành kính của người dân làng nghề Trát Cầu đối với các Anh hùng liệt sĩ. Mặc dù đã qua dịp "chính lễ" kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng tại các nghĩa trang liệt sĩ, phật tử và thành viên đoàn công tác đều đến dâng hương hoa, tụng niệm, làm lễ cầu siêu cho anh linh những người đã vị nước vong thân...
Thời gian trôi đi, nhiều ký ức có thể sẽ nhạt nhòa, song ký ức về chuyến hành hương cùng người dân làng nghề Trát Cầu lên Điện Biên trong mùa hè này chắc chắn sẽ khắc đậm trong tâm trí chúng tôi…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.