(HNM) - Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2011 vào ngày 4-1 vừa qua, đồng chí Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã yêu cầu các cấp lãnh đạo thực hiện nghiêm chủ trương không biếu quà tết cho lãnh đạo.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cũng đã có chỉ thị nghiêm cấm việc tổ chức đi chúc tết, tặng quà cho lãnh đạo các cấp, cấm sử dụng công quỹ sai mục đích, không dùng rượu ngoại để tiếp khách, không sử dụng xe công phục vụ hoạt động cá nhân... Đây là vấn đề được đông đảo người dân Thủ đô ủng hộ.
Ông Nguyễn Bá Huy (xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì):
Không nên biến tướng việc tặng quà
Quà tặng là một nét văn hóa đẹp có từ lâu đời và có ở khắp nơi trên thế giới, không riêng gì ở nước ta. Với người Việt Nam, món quà tặng nhân ngày đầu năm mới, ngày tết cổ truyền của dân tộc kèm những lời chúc tốt đẹp thật có ý nghĩa. Tuy nhiên, việc tặng quà nhân ngày lễ, tết hiện nay đang bị lạm dụng, bị biến tướng. Họ lợi dụng để đưa, nhận hối lộ, tặng quà với những tài sản có giá trị lớn: tiền vàng, nhà cửa, xe cộ, đất đai, hợp đồng kinh tế… Do vậy, thành phố cần phải có các thiết chế, chế tài đủ mạnh để điều chỉnh hành vi "tặng quà", nhằm ngăn chặn sự biến tướng, tiêu cực của quà tặng, trả lại vẻ đẹp nguyên bản của hành động giàu tính nhân văn này.
Ông Hoàng Nguyễn (phường Văn Chương, quận Đống Đa):
Nên hiểu là chỉ cấm những quà tặng có tính chất tiêu cực
Việc lãnh đạo thành phố liên tục nhắc nhở, chỉ thị, làm "nóng" những quy định liên quan đến việc tặng quà nhân dịp cuối năm Canh Dần là rất cần thiết, nhằm lập lại trật tự, hạn chế sự biến tướng của hoạt động này. Các yêu cầu, chỉ thị đó đã cụ thể hơn những nội dung được ghi trong các văn bản pháp luật. Điều 40, Luật Phòng, chống tham nhũng quy định việc tặng quà và nhận quà tặng của cán bộ, công chức, viên chức. Còn tại Điều 18, Luật Công chức có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2010 đã quy định những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến đạo đức công vụ, không được sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật. Theo tôi, việc nghiêm cấm tặng quà dịp lễ, tết phải hiểu là chỉ nghiêm cấm những quà tặng có tính chất tiêu cực, lạm dụng công quỹ, chứ không phải cấm cả những quà tặng theo truyền thống và phong tục. Những quà tặng xuất phát từ tình cảm chân thành cần được tôn trọng và đón nhận. Đó cũng là một cách thể hiện nét đẹp truyền thống của người Việt Nam "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây".
Bà Đặng Thị Nga (xã Nhị Khê, huyện Thường Tín):
Cần cấm cả người nhận quà!
Đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội nói rằng "không biếu quà ai và cũng đừng để ai biếu quà mình", tôi thấy nói thế mới thật đầy đủ cho quy định nghiêm cấm tặng quà. Những người được người khác tặng quà thường là những người có địa vị, lãnh đạo ở các cơ quan, đơn vị nào đó, nên quà họ được tặng, nhất là những món quà có giá trị lớn, ít nhiều có liên quan đến công việc, chức vụ của họ. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, với những người lãnh đạo, thấy món quà nào bất thường, trên mức tình cảm, thì nên từ chối để làm gương cho cấp dưới. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi nghe nói có người đã tự nguyện thống kê quà tặng của mình dịp tết, rồi sung công quỹ, đó cũng là một việc nên làm.
Bà Lê Thanh Lan (phường Phúc Xá, quận Ba Đình):
Tặng quà bày tỏ tình cảm chân thành là cần thiết trong cuộc sống
Không riêng gì những ngày lễ, tết, việc tặng quà diễn ra thường xuyên trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Dịp sinh nhật, ngày cưới, mừng tân gia, lễ thôi nôi con trẻ, ngày tốt nghiệp, mở cửa hàng, công ty, được thăng chức, đạt giải thưởng…, hay đơn giản chỉ là món quà bất ngờ biểu lộ tình cảm của người tặng với người được tặng quà. Theo tôi, chuyện tặng quà, ngay cả cấp dưới tặng cấp trên hay ngược lại, cũng là điều bình thường, nên làm trong cuộc sống đời thường. Cả năm chúng ta làm việc dưới sự lãnh đạo, dìu dắt, chỉ bảo tận tình của cấp trên, tại sao năm hết tết đến ta không có chút quà biểu lộ tình cảm biết ơn, trân trọng của mình? Hằng ngày gặp nhau ở cơ quan, chỉ nói toàn chuyện công việc, sao ngày lễ, tết không dành chút thời gian đến thăm nhau, nói những câu chuyện gia đình để hiểu nhau hơn, từ đó có cách ứng xử cho phù hợp. Trong cuộc sống thường nhật, tôi cũng là người hay đi tặng quà, từ thầy, cô giáo dạy mình nay đã nghỉ hưu, rồi thầy, cô giáo của con, người lãnh đạo từng giúp đỡ mình trước đây hay cấp trên trực tiếp hiện nay. Tất cả đều xuất phát từ nhu cầu muốn bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn. Các cụ ta thường có câu: "Của cho không bằng cách cho" để nói đến tâm thế của những người đi tặng quà. Nếu người tặng quà có mục đích trong sáng, không vụ lợi mà người được tặng quà lại không nhận, thì cũng thật là đáng buồn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.