Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một cầu nối văn hóa đích thực

Thi Thi| 08/01/2012 07:06

(HNM) - Hội Nhà văn Việt Nam đã chính thức công bố Liên hoan thơ Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất tại Việt Nam (LHT CA-TBD) sẽ diễn ra từ ngày 1-2-2012 (tức mùng 10 tháng Giêng năm Nhâm Thìn) đến hết ngày 7-2.

Sự kiện này kết hợp đồng thời với các hoạt động trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10 - diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội đầu xuân Nhâm Thìn. Không đi sâu vào những hội thảo chuyên đề, LHT CA - TBD được hy vọng là nơi thơ ca và các loại hình nghệ thuật liên quan cất tiếng, vì sự nhân văn và vẻ đẹp của các quốc gia, vùng miền trong khu vực.

Người yêu thơ sẽ lại có dịp thưởng thức nhiều tác phẩm trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10. Ảnh: Nguyệt Ánh

Sôi nổi đời sống thi ca

Theo danh sách, hiện có 81 đại biểu thuộc 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham dự LHT CA-TBD lần thứ nhất. Con số chính thức về các nhà thơ có mặt tại Việt Nam ngày 1-2 tới đây có thể rút xuống, song, dù chỉ có khoảng hơn 50 đại biểu thì đây vẫn thực sự là một cuộc hội ngộ ý nghĩa. Sẽ có các đại diện nhà thơ của Mỹ, Anh, Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Mông Cổ, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, Hungary... Đại diện cho nền thi ca Việt Nam dự kiến có khoảng 40 thi sĩ. Mỗi cái tên quốc gia và vùng lãnh thổ gợi lên chiều sâu về một nền văn hóa, do đó, cuộc gặp gỡ giữa các nhà thơ trước hết sẽ là một cuộc giao lưu mà đôi khi hiệu quả của nó vượt ra khỏi bàn hội thảo cũng như những dự định hợp tác đã vạch sẵn. Còn nhớ, học giả Lê Văn Hòe nổi tiếng với bản dịch tập thơ "Gió Tây" (Quốc học Thư xã 1952), giới thiệu 37 bài thơ của 32 tác giả thuộc 20 nền văn học trên thế giới. Đại ý, ông đã viết ở đầu tập thơ này rằng thơ ca có vai trò làm cầu nối giữa các nền văn hóa trên thế giới.

Điểm qua những cái tên trong danh sách, thấy đa phần đại biểu là những nhà thơ đã giành giải thưởng văn học quan trọng, hoặc là thành viên của BTC các liên hoan thơ quốc tế. Một số gương mặt đã quen thuộc như Lady Borton (Mỹ), Ahn Kyung Hwan (Hàn Quốc) - người chuyển ngữ tác phẩm "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng Hàn Quốc... Cũng thấy tiêng tiếc trước sự thiếu vắng một số nhà thơ tên tuổi đã có nhiều hoạt động thơ ca tại Việt Nam như Bruce Weigl (Mỹ - từng có mặt trong Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới năm 2010), điều đáng tiếc dễ hiểu trong một kỳ LHT quốc tế được tổ chức lần đầu tiên.

LHT CA-TBD diễn ra tại TP Hạ Long, Quảng Ninh, nơi có Vịnh Hạ Long, một sáng tạo kỳ thú của thiên nhiên, cũng là chủ ý nhằm góp phần tạo nên bầu không khí thơ mộng cho cuộc giao lưu giữa các thi sĩ quốc tế. Một cuộc giao lưu văn hóa mà thơ ca là người chuyển tải. Đây cũng là dịp làm đầy thêm vốn sống của những nhà thơ Việt Nam cũng như các nước, vùng lãnh thổ. Sẽ có biết bao nhiêu câu chuyện hành lang sống động, hấp dẫn mà bạn thơ mang tới. Sẽ có biết bao cảm nhận trực diện của các đại biểu nước ngoài về con người và cuộc sống của một Việt Nam đang trên đường hội nhập... Các hoạt động giao lưu dịp này gồm thăm làng Bát Tràng, thăm và nghe thơ thiền ở chùa Thầy, xem múa rối, tham quan Vịnh Hạ Long và đặc biệt là hòa vào Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Đây chính là một trong những điều kiện để nhà thơ tiếp tục sáng tạo nên những thi phẩm mới, như chính các nhà thơ vẫn nói: "Thơ chỉ tràn trong tim ta khi cuộc sống đã thật đầy!".

Đồng vọng giá trị nhân văn

Trong những ngày LHT, bên cạnh tham quan, giao lưu, hoạt động chính là những buổi dạ hội thơ diễn ra vào tối 2, 3, 4-2 tại Hạ Long và Hà Nội. Trong đó có Đêm thơ Nguyên Tiêu diễn ra tối 4-2 (tức 13 tháng Giêng) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Hiện nay, thơ và tham luận của các đại biểu đã được chuyển tới BTC để dịch và đưa vào chương trình. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, các tham luận tập trung nói về vẻ đẹp của con người, cuộc sống, giá trị nhân văn thể hiện qua thi ca. Những bài thơ vang lên trong các buổi dạ hội sẽ mang thông điệp rung động nhất mà thơ có thể mang tới, là giá trị nhân văn cũng như khát vọng hòa bình cho mọi dân tộc. Vì vậy, những vấn đề chuyên môn, học thuật như cách tân thơ, chuyển động trong thơ ca đương đại… có thể không được đề cập trực diện. Ngay cả hội thảo thơ cũng sẽ mang tinh thần "Vì một Châu Á hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển".

Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm nhất đã được đặt ra, là liệu BTC có chuẩn bị được một đội ngũ phiên dịch am hiểu văn học, thơ ca, giỏi ngoại ngữ để có thể chuyển tải hết thông điệp trong các cuộc giao lưu, dạ hội thơ? Trừ những văn bản đã dịch sẵn, lễ hội thơ ca bao giờ cũng hứa hẹn những bất ngờ không có trong kịch bản. Cũng đáng mừng là nhiều nhà thơ, nhà văn trẻ khá về ngoại ngữ như Hữu Việt, Nguyễn Phan Quế Mai, Di Li... từng tích cực tham gia Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới (năm 2010), sẽ tiếp tục tham gia LHT CA-TBD năm nay. Hội Nhà văn Việt Nam cũng dự kiến nhờ sự góp sức của nhiều dịch giả lão làng.

Tổ chức lần đầu tiên, kinh phí lấy từ cả ba nguồn: Nhà nước, hỗ trợ của địa phương (tỉnh Quảng Ninh) và xã hội hóa, LHT ít nhiều giúp vỡ ra những bài học về công tác tổ chức một lễ hội thi ca lớn đến thế.

Còn thi ca, như thường thấy, sẽ "vô tư" trong sứ mệnh làm sứ giả tâm hồn và cầu nối giữa các nền văn hóa!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một cầu nối văn hóa đích thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.