(HNM) - Mùa xuân đến, ai cũng quan tâm đến hoa lá, cây cối trong nhà, ngoài ngõ. Nhà khó khăn thì một cành đào nho nhỏ, một lọ hoa khiêm nhường...
Cây và hoa như có tình với con người vậy. Tết Kỷ Dậu 1789, kinh thành Thăng Long chào đón đại quân Quang Trung bằng những cành đào đỏ thắm! Xuân về tràn đầy sức sống, con người hớn hở đón xuân nên cây và hoa cũng trổ chồi non, lộc biếc. Người ta bảo cây cũng có hồn và bởi thế cây cũng thiêng lắm! Tam quốc diễn nghĩa - tiểu thuyết nổi tiếng của Trung Hoa, viết rằng: Tào Tháo khi đã là Thừa tướng, quyền uy lấn át cả vua, muốn chém tướng không khó vậy mà khi chém cây lại mang vạ lớn, họa diệt chính mình. Việc ấy thực hư ra sao cũng không rõ vì quá xa cả về thời gian và không gian so với đời sống hôm nay. Tuy nhiên, có chuyện về một cái cây cần phải nhắc tới, đó là cây đa ngàn tuổi ở Cổ Loa. Năm 1997, khi tôi được điều về Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội làm Phó Giám đốc thì cây đa này đã ở tình trạng không thể cứu chữa. Sở Văn hóa - Thông tin ký hợp đồng với một đơn vị chuyên môn của Bộ Nông nghiệp từ vài năm trước nhằm cứu cây đa quý, nhưng mọi cố gắng đều không có kết quả. Giám đốc Sở lúc bấy giờ là nhạc sĩ Vĩnh Cát rất băn khoăn, tiếc nuối, đã cho họp Ban Giám đốc bàn cách khắc phục sự cố không mong muốn này. Cuối cùng, chúng tôi quyết định vẫn để thân cây cũ tồn tại, tìm một cây đa mới trồng thế sát gốc cây đa ngàn tuổi. Một sự tình cờ may mắn, cũng có thể là cơ duyên của sự trân trọng cây cổ thụ, mà một đơn vị bộ đội đóng ở Sóc Sơn đã hiến tặng cây đa vài chục tuổi có nguồn gốc từ cây đa ngàn tuổi kia. Đến nay cây đa này đã kế tục xứng đáng cây đa ngàn năm tuổi ở Cổ Loa!
Một chuyện về một cái cây khác ở Hà thành, là cây đa trong khuôn viên trụ sở Báo Nhân Dân. Cách đây khoảng hai chục năm, chúng tôi có nghe thông tin rằng Báo có chủ trương mở rộng trụ sở và cây đa có nguy cơ bị đốn hạ. Quan điểm của Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội là phải giữ, việc chưa rõ nên không thể báo cáo UBND thành phố, nhưng cũng không thể để đến lúc "mọi sự đã rồi". Thế là tôi đánh bạo sang Báo. Nghe tôi ngỏ lời xa gần về cây đa, vị Tổng Biên tập cười, nói ngay: "Nếu có lúng túng một tí thì là làm thế nào để công trình hài hòa với cây đa, chứ không hề có chuyện hạ giải cây đa! Chúng tôi hiểu cây là văn hóa mà! Cây đa này với chúng tôi giống như là người thân ấy chứ!". Tôi vui sướng chào tạm biệt ra về, lòng nhẹ nhõm, lâng lâng. Bây giờ, ai có dịp đến Báo Nhân Dân sẽ thấy cây đa vẫn sừng sững tỏa bóng! Và thật mừng là Nhà nước đã có quy chế công nhận cây di sản. Thủ đô đã có hàng trăm cây được công nhận là cây di sản. Chuyện về những cái cây, theo dòng thời gian, nếu kể tỉ mỉ có đến hàng giờ cũng không hết.
Mùa xuân mới đang về. Những cây xanh vừa trồng ngày nào đã bung lá, đâm chồi xanh biếc, làm cho người Hà Nội và bạn bè gần xa đến với Thủ đô cũng náo nức vui cùng sức sống xuân! Hãy du xuân trên các tuyến phố để thưởng ngoạn màu xanh cây lá, để thấy lòng mình thanh thản hơn, bình an hơn, tin tưởng hơn khi ý tưởng trồng một triệu cây xanh đã đi vào lòng người. Hóa ra, ý tưởng tốt đẹp, chủ trương đúng đắn, có tầm chiến lược sẽ theo thời gian lắng vào tâm khảm người ta mà thành dấu ấn. Dẫu ai đó phàn nàn về "tư duy nhiệm kỳ" nhưng tôi lại cho rằng bản thân cái nhiệm kỳ chẳng có tội tình gì, chỉ tội những ai không dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm trước dân mà thôi! Trong cái thời gian nhiệm kỳ ngắn ngủi ấy, hãy nghĩ đến cái gì đó lớn lao, dài rộng để cống hiến, để đến khi được thanh thản nghỉ ngơi thì hãnh diện rằng mình đã làm được đôi điều ích nước, lợi dân.
Thời gian thường đọng lại khi Tết đến, xuân về. Sự đọng lại giàu ý nghĩa của cuộc đời mỗi người và của cả cộng đồng. Một triệu cây xanh bắt đầu tỏa bóng. Mỗi người Thủ đô hãy cùng góp sức cho sự dịu mát của những cái cây cũng là sự dịu mát của lòng người trong những tháng năm còn bề bộn! Hãy cứ làm, lặng lẽ như cây xanh đâm chồi nảy lộc để đến một ngày bỗng như thiên thần tỉnh giấc, lan tỏa màu xanh - màu của hy vọng, ước mơ, màu của cuộc sống ấm no, hạnh phúc! Một triệu cây xanh đang làm đẹp cho đời, làm đẹp Thủ đô ngàn năm yêu dấu!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.