Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một bước nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Dung Nhi| 29/11/2012 08:09

(HNM) - Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, mặc dù mỗi năm TP Hà Nội tạo thêm việc làm cho hàng trăm nghìn lao động nhưng tỷ lệ lao động thất nghiệp ở khu vực thành thị vẫn còn hơn 3,2%; khu vực nông thôn, tỷ lệ thất nghiệp sau đào tạo nghề cao hơn rất nhiều.


Hà Nội đẩy mạnh công tác đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng.Ảnh:Khánh Nguyên

Có một thực tế ở Hà Nội là số lượng người lao động qua đào tạo mới đáp ứng được 35% nhu cầu sử dụng. Người lao động qua đào tạo chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị, các quận nội thành, ở khu vực nông thôn có tới hơn 84% lao động chưa qua đào tạo. Điều này cho thấy cơ cấu lao động qua đào tạo của thành phố còn rất nhiều vấn đề.

Trước những bất cập nêu trên, Sở LĐ-TB&XH đã nỗ lực đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề theo hướng tăng về quy mô và nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, Hà Nội cần có cơ chế khuyến khích người học nghề, có chính sách ràng buộc giữa doanh nghiệp với các trường đào tạo, đồng thời có cơ chế mở để đầu tư cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này và phải thực hiện tốt phương án đào tạo theo đơn đặt hàng, nghiệm thu theo sản phẩm đặt hàng. Việc này đã được thực hiện từ năm 2012 với hai mô hình thí điểm đó là Sở LĐ-TB&XH đào tạo 3.600 lao động; Các doanh nghiệp sẽ ký kết đào tạo cho 4.000 lao động mở ra nhiều hy vọng mới.

Mới đây, Hà Nội lại vừa liên kết với một số trường đào tạo nghề của Đức để đào tạo giáo viên dạy nghề. Theo mô hình mà các trường nghề Đức áp dụng thì hệ thống đào tạo nghề là sự kết hợp giữa việc học trong một môi trường có sự gần gũi với thực tế sản xuất của doanh nghiệp và một cơ sở có năng lực chuyên môn về sư phạm và nghiệp vụ dạy nghề. Phía doanh nghiệp tập trung vào việc cung cấp các kiến thức và kỹ năng thực tế, còn nhà trường cung cấp khối kiến thức lý thuyết về cơ bản. Hệ thống này được gọi là đào tạo nghề kép.

Trong lần liên kết này, chúng ta đang nghiên cứu tiến tới "định chế hóa" việc giáo dục nghề. Sau 5 năm sẽ đào tạo theo chuẩn quốc tế về kỹ năng đào tạo nghề cho 25-30% giáo viên dạy nghề trên toàn địa bàn Hà Nội; đào tạo theo chuẩn khu vực ASEAN về kỹ năng đào tạo nghề cho 20-25 giáo viên dạy nghề trên toàn địa bàn. Đồng thời, 100% giáo viên dạy nghề sẽ được tham dự các chương trình tập huấn ngắn ngày về kỹ năng dạy nghề; 100% lãnh đạo các trường sẽ được bồi dưỡng về kỹ năng quản lý các trường nghề; Tạo cầu nối cho 70-80% trường nghề liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo theo địa chỉ và lo việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Đặc biệt, mỗi năm sẽ đưa khoảng 800-1.000 sinh viên các trường nghề tại Hà Nội sang Đức và các nước Châu Âu để học nâng cao trình độ tay nghề. Tiếp đó, giới thiệu khoảng 1.200-1.500 học viên các trường nghề tại Hà Nội sang Đức và các nước Châu Âu làm việc. Tạo cầu nối cho ít nhất 4.000-5.000 học viên các trường nghề có việc làm sau khi đã đào tạo nghề bằng việc tổ chức các ngày hội việc làm và ngày hội tuyển dụng của các doanh nghiệp tại các trường.

Hy vọng, sự liên kết này công tác dạy nghề của Hà Nội sẽ được nâng lên một tầm mức mới và giúp người lao động có cơ hội nghề nghiệp với tay nghề đạt chuẩn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một bước nâng cao chất lượng đào tạo nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.