Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một bộ tài liệu giúp thanh niên tiếp cận việc làm tốt hơn

H.Đ| 06/12/2014 14:15

(HNMO) - Một bộ tài liệu Hướng nghiệp Sáng tạo xây dựng riêng cho Việt Nam vừa được giới thiệu tại hội thảo ngày 6/12 tại Hà Nội do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đồng tổ chức.


Với chủ đề “Mô hình giáo dục hướng nghiệp mới cho nhà trường phổ thông Việt Nam”, hội thảo giới thiệu bộ tài liệu hướng nghiệp mới, phổ biến báo cáo đánh giá tác động của bộ tài liệu, và tạo cơ hội cho học sinh và cha mẹ nói lên suy nghĩ cảm nhận về các phương pháp hướng nghiệp và ảnh hưởng đối với kế hoạch tương lai của học sinh.

Bộ tài liệu Hướng nghiệp Sáng tạo được thiết kế riêng cho Việt Nam phù hợp với điều kiện thực tế trong nước và tiếp thu kinh nghiệm quốc tế về hướng nghiệp. Bộ tài liệu này được ILO phối hợp cùng với các chuyên gia giáo dục và đào tạo Việt Nam xây dựng từ tháng 11/2013, sau đó được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định vào tháng 8/2014 để thí điểm mở rộng.

Bộ tài liệu (bao gồm sách bài tập học sinh và sách hướng dẫn giáo viên, bộ sách tra cứu thông tin nghề nghiệp và bộ đồ dùng dạy học) được kỳ vọng giúp cho học sinh hiểu rõ hơn về lựa chọn nghề nghiệp tương lai, triển vọng việc làm, ưu nhược điểm của bản thân, từ đó đưa ra quyết định với đầy đủ thông tin.

“Hướng nghiệp hiệu quả sẽ tăng cường mối quan hệ gắn kết giữa học sinh, cha mẹ, nhà trường và doanh nghiệp, trên cơ sở đó thanh niên có thể tự đưa ra những lựa chọn phù hợp cho tương lai của chính mình,” ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam phát biểu.

Bộ tài liệu đã được áp dụng thí điểm với 2.000 học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông và 300 thanh niên ngoài nhà trường tại các tỉnh Phú Thọ, Quảng Nam và Thừa Thiên – Huế trong sáu tháng đầu năm 2014. Hiện nay, tài liệu đang được thí điểm mở rộng cho 12.700 học sinh tại ba tỉnh trên.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Mặc dù mới được triển khai thử nghiệm trong thời gian ngắn tại ba tỉnh Phú Thọ, Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam, nhưng những kết quả ban đầu thu được từ khi áp dụng tài liệu này có ý nghĩa hết sức to lớn. Các tài liệu dành cho học sinh, giáo viên và các phương tiện dạy học đi kèm bước đầu đã tạo ra được những thay đổi quan trọng trong nhận thức và suy nghĩ của cả học sinh, giáo viên và phụ huynh.”

Theo kết quả Điều tra Lao động Việc làm 2013, gần một nửa (47%) số người thất nghiệp tại Việt Nam là thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 24. Nhóm này có xu hướng thất nghiệp cao hơn gấp gần 5 lần so với nhóm người từ 25 tuổi trở lên.

Thêm vào đó, một nghiên cứu mới – Khảo sát Thời kỳ Chuyển đổi từ Trường học đến Việc làm năm 2013 – cho thấy chất lượng việc làm là vấn đề còn quan trọng hơn nữa đối với thanh niên. Đa số những người trẻ tuổi có việc làm không hề được hưởng quyền lợi lao động đầy đủ. Cụ thể, 59% không được trả lương cho thời gian nghỉ ốm, 54% không được nghỉ phép hàng năm, và 56% không được hưởng các chính sách an sinh xã hội. Hơn nữa, chỉ 55% số lao động trẻ có ký hợp đồng lao động.

“Nâng cao chất lượng việc làm, đặc biệt là việc làm thanh niên, đồng thời tăng cường cơ hội để thế hệ “tương lai của đất nước” tiếp cận việc làm tốt là vấn đề thiết yếu giúp quốc gia phát triển toàn diện. Hướng nghiệp là một công cụ hiệu quả để thực hiện sứ mệnh này,’’ ông Sziraczki cho biết.

Bộ tài liệu hướng nghiệp mới được xây dựng trong Chương trình Việc làm cho Thanh niên Nông thôn của ILO, được thực hiện từ năm 2012 đến năm 2014 nhằm góp phần giải quyết vấn đề thất nghiệp và thiếu việc làm trong thanh niên tại Việt Nam.

Đây không phải lần đầu tiên ILO giới thiệu một chương trình giáo dục vào trường phổ thông. Từ năm 2013, chương trình giáo dục kinh doanh mang tên “Tìm hiểu về Kinh doanh” (KAB) đã được áp dụng tại một số trường trung học cơ sở dưới hình thức môn học tự chọn. Dự kiến KAB sẽ được Nhà nước đưa vào chương trình trung học cơ sở từ năm 2015 và từng bước áp dụng cho toàn bộ 11.000 trường trên toàn quốc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một bộ tài liệu giúp thanh niên tiếp cận việc làm tốt hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.