(HNM) - Mỗi năm, Tết đến là cả xã hội lại xốn xang, người người, nhà nhà lại râm ran chuyện lương, thưởng. Nhưng với nhiều giáo viên thì chữ
Năm nào cũng vậy, chuyện chăm lo Tết cho một bộ phận giáo viên, đặc biệt ở những vùng khó khăn đều được nhắc đến. Nhưng rồi, Tết đến Tết lại đi, còn những mối lo toan thường nhật cứ bám riết lấy đời sống của nhiều nhà giáo.
Cách đây hai ngày, trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận: "Thưởng Tết với ngành giáo dục là rất khó. Ngay cả ở cơ quan bộ cũng không có bất cứ nguồn nào, không có ngân sách nào cho thưởng Tết". Và hiện tại, thông tin giáo viên không được thưởng Tết vẫn tràn ngập các trang báo điện tử.
Với một bộ phận giáo viên ở thành thị dù có thể chưa cao sang nhưng dễ có điều kiện cho đủ đầy hương vị Tết. Còn với đa số nhà giáo ngày đêm cõng con chữ ở vùng cao, vùng xa, cả năm đã phải vất vả, thiếu thiệt, Tết đến lại thêm buồn. Có được một món quà trích từ vài khoản quỹ như công đoàn, phụ nữ đáng giá vài chục nghìn đồng đã là mừng lắm, nhưng ngay cả chút quà nhỏ ấy đâu phải ai cũng có.
Nghĩ mà buồn khi có nhiều thầy giáo, cô giáo, những người có thể đã từng dìu dắt bao nhiêu nhà quản lý, bao nhiêu triệu phú, tỷ phú, đại gia… mà lúc bình thường khi được nhắc đến thì ai cũng tỏ ra trân trọng, song có một chuyện là chút thưởng dịp Tết dường như người ta chỉ nhắc đến cho có phép, chứ hầu như chẳng thấy mấy ai hành động. Thực tế có biết bao doanh nghiệp, bao doanh nhân, sẵn sàng tài trợ cho chương trình này, sân khấu kia những khoản tiền rất lớn, sẵn sàng đấu giá những món đồ với giá trị "không tưởng". Nhưng có được bao người quan tâm, nghĩ về những người thầy của mình? Ngay cả những người quản lý giáo dục vẫn cứ than thế, khó thế, song qua bao năm đã có được phương cách nào cải thiện tình hình?
Còn nhớ, năm 2009, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, cũng là Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào đạo khi đó đã phải lên tiếng kêu gọi xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp, cùng chung sức chăm lo Tết cho các thầy, cô giáo, chỉ với mong muốn họ có "một cái Tết ít thiếu thốn hơn ngày thường". Nhưng đến nay mọi chuyện hầu như vẫn không dịch chuyển. Thưởng Tết vẫn là nỗi buồn với những nhà giáo.
Không chỉ dịp Tết, bình thường chúng ta vẫn nghe quen những khoản thưởng kếch xù cho một đội bóng đá, những khoản cát-sê chín mười con số cho những người mẫu, ca sĩ. Thậm chí, chúng ta cũng quá quen với những vụ việc làm thất thoát hàng trăm, có khi hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước... Vẫn biết không thể lấy chuyện này so bì chuyện khác. Nhưng việc để cả xã hội phải nghe quen về nỗi niềm Tết nghèo của nhà giáo trong bối cảnh như vậy, thì phải chăng là chúng ta đang rất vô cảm với những người giữ vai trò quan trọng trong việc định hình các thế hệ tương lai của đất nước?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.