(HNM) - Tròn 57 năm sau ngày giải phóng, thành phố Hà Nội đã thật sự lớn mạnh trên tất cả các lĩnh vực. Hòa chung không khí phấn khởi của ngày vui giải phóng, những người đang chứng kiến sự thay da, đổi thịt của Thủ đô đã có đôi điều chia sẻ với Báo Hànộimới.
Bà Lê Anh Quang (phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm): Mong Thủ đô phát triển bền vững
Đúng ngày này năm trước, cả nước nhộn nhịp đón mừng Đại lễ kỷ niệm Thủ đô tròn nghìn năm tuổi, hàng trăm công trình lớn nhỏ được mọc lên, giúp cho bộ mặt của Thủ đô ngày càng khởi sắc. Song, bên cạnh đó vẫn còn một số công trình chưa hoàn thiện, nhiều dự án lớn vẫn còn những hạng mục dở dang, khiến người dân không khỏi phiền lòng. Người dân chúng tôi luôn mong mỏi một sự phát triển bền vững của thành phố trên tất cả các lĩnh vực, các công trình kỷ niệm phải phát huy được giá trị thiết thực trong cuộc sống và thực sự để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng mỗi người dân.
Ông Đinh Quang Minh (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn): Đời sống của các gia đình chính sách được quan tâm...
Một trong những thành tựu nổi bật của Thủ đô là đã nâng cao được đời sống người dân, nhất là với các đối tượng chính sách. Những phong trào đền ơn đáp nghĩa, cứu giúp đồng bào gặp nạn được triển khai sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, khắp cơ quan, đoàn thể. Đến nay, các gia đình thương, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng... đều đã có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của người dân Thủ đô.
Ông Võ Quang Huy (phường Trung Liệt, quận Đống Đa):Nâng cao ý thức cá nhân trước cộng đồng
Trong những năm qua, Hà Nội đã quá chật chội, bí bách với một số vấn đề dân sinh như: thiếu trường học, thiếu không gian xanh, hệ thống giao thông quá tải… Các cơ quan chức năng của thành phố đang nghiên cứu cách vận hành mới, nhằm tìm lối thoát theo hướng tích cực, trong đó "bài toán" về giao thông là việc vô cùng nan giải, bởi vấn đề này đòi hỏi phải có sự vào cuộc và có sự đồng thuận của cả cộng đồng. Để hướng đến một thành phố văn minh, sạch đẹp, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, có những đóng góp tích cực hơn nữa.
Bà Đỗ Hồng (xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm): Đầu tư thích đáng vào vùng nông thôn
Trong những năm qua, ngoại thành Hà Nội đã được "thay da, đổi thịt". Khi các dự án giao thông được triển khai xây dựng, kéo theo gánh nặng cho vùng nội đô, vì lượng người thất nghiệp ở nông thôn ngày càng nhiều, họ phải kéo về thành phố kiếm sống. Các ngành chức năng cần có kế hoạch đào tạo nghề thiết thực cho người lao động, phát triển các làng nghề với tầm cao mới và đầu tư các vùng chuyên canh sản xuất thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, tạo thu nhập cao hơn cho người nông dân. Chỉ khi có nguồn thu nhập ổn định, làm giàu được trên chính mảnh đất của mình thì người nông dân mới mặn mà và chuyên tâm.
Sinh viên Nguyễn Thúy Nga (Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội): Tự hào và trách nhiệm
Hòa trong không khí kỷ niệm 57 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, tôi càng cảm nhận được niềm vinh dự, tự hào và trách nhiệm công dân của một thành phố Vì hòa bình, ngàn năm văn hiến, ngàn năm văn vật. Là sinh viên ngành kinh tế phát triển, những đổi mới trong phát triển kinh tế của đất nước nói chung và Thủ đô nói riêng là điều kiện tốt giúp chúng tôi vận dụng lý thuyết vào thực tiễn, nhằm phục vụ cho công việc khi ra trường. Chúng tôi nguyện cố gắng học tập tốt để trở thành những công dân Thủ đô tốt, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh, văn minh...
Ông Tạ Nam Ninh (Trường THCS Đồng Trúc, huyện Thạch Thất): Đời sống giáo viên ngoại thành còn nhiều khó khăn
Sau hơn 3 năm hợp nhất, cơ sở vật chất của các trường học thuộc địa bàn Hà Tây cũ đã được quan tâm đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu dạy, học của thầy và trò. Các phòng học chức năng, thư viện, lớp học chưa được trang bị đầy đủ vật dụng thiết yếu phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập. Đặc biệt, đời sống của các giáo viên, nhất là giáo viên hợp đồng ở các vùng quê của Hà Nội còn rất nhiều khó khăn...
Bà Nguyễn Thị Nhượng (phường Quang Trung, quận Hà Đông): Tạo điều kiện cho người nhập cư sinh sống
Là người ở tỉnh khác đến Hà Nội sinh sống và làm việc, tôi mong muốn chính quyền thành phố nhìn nhận đúng những đóng góp của chúng tôi, coi đó là động lực tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội. Đồng thời, coi trọng và có cơ chế chính sách thu hút và sử dụng hiệu quả đội ngũ lao động có trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai...
Ông Lê Văn Hứa (xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức): Giảm khoảng cách giữa nông thôn và thành thị
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, chính quyền thành phố rất quan tâm đến các vấn đề nông dân - nông nghiệp - nông thôn. Chắc chắn khi mọi mặt đời sống kinh tế và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên, khoảng cách giữa nông thôn, thành thị sẽ được rút ngắn, làm nên bộ mặt mới của Hà Nội. Tin rằng, những mô hình nông thôn mới mà Hà Nội đang xây dựng sẽ đem lại những thành công trong tương lai không xa.
Ông Nguyễn Văn Trọng (xã Mê Linh, huyện Mê Linh): Giải quyết việc làm cho nông dân...
Chúng tôi mong muốn thành phố Hà Nội cần khoanh vùng bảo vệ những khu vực đất màu mỡ để phát triển sản xuất nông nghiệp, chú trọng giải quyết việc làm cho nông dân; đồng thời có những chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị thu nhập trên một diện tích canh tác.
Ông Nguyễn Văn Thành (xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì): Quan tâm hơn nữa đến miền núi...
Là một địa phương thuộc vùng miền núi, cách xa trung tâm Thủ đô nhưng được sự quan tâm của TP, đời sống của người dân vùng quê chúng tôi ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, do đặc thù của các xã miền núi, địa bàn quá rộng, dân cư lại thưa thớt, nên cơ sở hạ tầng còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đường sá và lớp học cho học sinh các bản, làng, những nơi xa xôi, hẻo lánh. Chúng tôi mong chính quyền TP quan tâm hơn nữa đến các xã thuộc vùng miền núi, khó khăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.