(HNM) - Nghệ sĩ violon Nguyễn Hữu Khôi Nguyên, thành viên chính thức của Dàn nhạc quốc gia Pháp vừa trở về quê hương biểu diễn trong chương trình hòa nhạc Tchaikovsky cùng các nghệ sĩ của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam vào giữa tuần trước. Sau 10 năm, anh lại được đứng trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, Khôi Nguyên bày tỏ cảm xúc sau hai đêm diễn với Hànộimới.
- Chúng tôi đã có dịp giới thiệu nghệ sĩ độc tấu violon Nguyễn Hữu Khôi Nam, em trai anh. Gia đình anh chắc là có truyền thống chơi nhạc?
- Vâng, ba tôi chơi violon nghiệp dư. Thời trước, đĩa nhạc cổ điển bán rẻ, ông mua về cho cả nhà nghe và hướng chúng tôi theo con đường âm nhạc. Cả 4 anh em tôi đều học violon nhưng chỉ có tôi và Khôi Nam theo chuyên nghiệp. Hiện chúng tôi cùng chơi cho Dàn nhạc quốc gia Pháp.
- Thể hiện bản Concerto D major op.35 viết cho đàn violon và dàn nhạc của Tchaikovsky, theo anh khó nhất ở điểm nào?
- Người Slave chơi nhạc cổ điển phóng khoáng hơn. Nhưng người Châu Âu thì vẫn tôn trọng phong cách của Tchaikovsky. Tôi cũng thế. Bản nhạc này ngoài cái khó về kỹ thuật và việc thể hiện cảm xúc âm nhạc, người chơi phải biết phân phối thể lực qua rất nhiều đoạn cao trào để chơi được tác phẩm với hiệu quả trọn vẹn trong hơn 40 phút.
- Cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam dựng tác phẩm, anh có nhận xét gì về đồng nghiệp ở quê hương?
- Chúng tôi chỉ có ba ngày tập phối hợp, nhưng được kết quả khá hài lòng. Sau 10 năm mới được chơi cùng dàn nhạc, tôi thấy họ tiến bộ rất nhiều và chuyên nghiệp hơn. Dàn nhạc của chúng tôi ở Paris cũng mới biểu diễn bản nhạc này. Không thể so sánh với họ về chất lượng nhạc cụ hay kỹ thuật, nhưng về thể hiện tâm hồn của bản nhạc thông qua xúc cảm của người biểu diễn truyền tới công chúng thì lần này, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam không hề có cách biệt.
- Ở môi trường biểu diễn âm nhạc yêu cầu cao như Paris, anh có thấy căng thẳng lắm không?
- Thực ra không có gì căng thẳng. Chúng tôi làm việc ba tuần thì được nghỉ một tuần. Chúng tôi lại luôn được làm việc với các nhạc trưởng, nghệ sĩ độc tấu nổi tiếng. Họ vừa giúp mình nâng cao trình độ, vừa tăng thêm cảm hứng. Còn tất nhiên, để giữ được trình độ thì ai cũng phải cố gắng rèn luyện. Chúng tôi được toàn tâm toàn ý chơi nhạc mà không phải lo tới đời sống vật chất như nhiều nghệ sĩ ở Việt Nam.
- Sau 10 năm mới trở lại, anh thấy Hà Nội thế nào?
- Ồn ào, sầm uất và rộng lớn hơn. Tôi thấy khán giả rất am hiểu nhạc cổ điển. Tôi được gặp nhiều người như vậy. Đó là tiềm năng cho sự phát triển nhạc cổ điển, cũng là nguồn cổ vũ cho người nghệ sĩ. Tôi mong sẽ sớm trở lại Hà Nội để biểu diễn và đắm mình trong tình yêu của công chúng như hai đêm diễn vừa rồi.
- Cảm ơn Khôi Nguyên. Hẹn sớm gặp lại anh!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.