(HNM) - Hằng ngày, chúng ta đang chứng kiến những dòng người và phương tiện giao thông đông nghịt trên những đường phố nội đô và thường xuyên xảy ra ùn tắc.
Và dĩ nhiên, những người tham gia giao thông phải chịu cảnh chen lấn, nóng bức, giá rét, khói bụi... Còn trên các tuyến quốc lộ, đường liên tỉnh thì những cảnh tai nạn giao thông với những chiếc xe ô tô bẹp dúm dó; những cơ thể người mình đầy máu me, bị chết, bị thương… Mà những vụ việc như thế không phải đôi khi mới xảy ra, mà là hàng chục nghìn vụ trong năm.
Và cũng rất ít có nước nào trên thế giới công tác tuyên truyền, giáo dục về tình trạng an toàn giao thông, văn hóa giao thông kiên trì, bền bỉ, thường xuyên như ở nước ta. Cứ vừa thức giấc, chưa kịp đánh răng, rửa mặt là chương trình "Chào buổi sáng" đã cảnh báo an toàn giao thông cho cả nước.
Thế mà, tai nạn vẫn cứ diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Nguyên nhân của tình hình trên có thể kể ra rất nhiều, nhưng có ba nguyên nhân quan trọng nhất. Đầu tiên là cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu đường, chất lượng đường sá còn nhiều bất cập. Ở đô thị, diện tích đất cần dành cho giao thông phải là 20 - 25%, nhưng hiện tại ở hai đô thị lớn nhất nước (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) chỉ có 6-8%, thì ùn tắc là không thể tránh được. Việc phê phán sự yếu kém trong công tác quy hoạch là hoàn toàn có lý. Trung ương cũng như thành phố Hà Nội đều xác định ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông là khâu đột phá. Thế nhưng, để giải quyết một cách căn bản việc tăng cường đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông ở các thành phố và của cả nước thì vốn, kinh phí không phải giải quyết một sáng một chiều, kể cả có đi vay của nước ngoài cũng không phải lúc nào cũng được. Vậy thì, ngoài nguồn vốn của ngân sách Nhà nước, rất cần huy động đóng góp của người tham gia giao thông. Ở nông thôn nước ta, cũng nhờ thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm mà chúng ta sớm có được hệ thống đường nông thôn tương đối khá. Sự đóng góp từ phía người tham gia giao thông và nhân dân nói chung là vô cùng quan trọng và cần thiết. Một việc lớn như vậy chúng ta đã làm thành công ở khu vực nông thôn rộng lớn, khi đa số người dân ở đó còn nghèo, thì tại sao chúng ta không thể áp dụng với người dân có ô tô, xe máy ở các đô thị?
Nguyên nhân thứ hai góp phần làm trầm trọng thêm nguyên nhân thứ nhất, đó là đường đã chật, đã xấu lại bị quá tải bởi số lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng lên từng ngày. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, sự cải thiện về thu nhập và mức sống của nhân dân, số người mua sắm phương tiện cá nhân, nhất là ô tô tăng lên vùn vụt. Toàn TP Hà Nội hiện có gần 4 triệu xe máy và hơn 400.000 ô tô cá nhân. Mỗi tháng gần đây TP Hà Nội cấp đăng ký mới gần 4.000 xe ô tô cá nhân và gần 30.000 xe máy, nhưng đến nay, Nhà nước vẫn chưa có bất kỳ biện pháp nào để điều tiết, hạn chế. Lại thêm với chính sách nhập cư vào các thành phố dễ dàng như hiện nay, thì hệ quả đương nhiên là sự quá tải dân số ở các đô thị lớn. TP Hà Nội sau khi hợp nhất số hộ khẩu thường trú là 6,4 triệu người. Đến cuối năm 2011 đã là 7,1 triệu. Đó là chưa kể số người không đăng ký hộ khẩu thường xuyên lên tới hàng triệu người. Nếu chúng ta cứ tiếp tục như thế này, nhất định sẽ tới lúc những người có xe cũng không thể sử dụng được, và tình trạng ùn tắc, tai nạn sẽ càng trầm trọng.
Và nguyên nhân thứ ba, là ý thức người tham gia giao thông. Như một chuyên gia của tổ chức JICA - Nhật Bản mới đây lên tiếng: "Không thể hiểu nổi vì sao người Việt Nam trong cơ quan, công sở thì có trật tự, nền nếp mà khi ra đường thì lại chen lấn, xô đẩy, bất chấp luật lệ giao thông đến thế". Quả thật, người Việt Nam chúng ta có rất nhiều đức tính đáng quí: cần cù, dũng cảm, mến khách... Nhưng thật đáng tiếc khi nói về tình trạng thiếu ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông: bóp còi inh ỏi, chạy quá tốc độ quy định, chở quá tải, vượt đèn đỏ, không nhường không tránh đường cho xe ưu tiên, dù đó là xe cứu thương, cứu hỏa. Có những vi phạm hiếm thấy trên thế giới: khi gặp đoàn xe ưu tiên, có xe cảnh sát dẫn đường, có người lại "vận dụng sáng tạo" bằng cách hiên ngang... ghé vào đi chung; rồi đi trái chiều, đi trên vỉa hè là chuyện rất phổ biến. Nhiều người đi bộ gặp đâu rẽ đấy, trong phố có cầu vượt, hầm chui nhưng không đi; có người tự mình miệng thổi còi, tay giơ cao cờ đỏ, tự dẹp dòng xe đang chuyển động trên phố để băng qua. Người đi xe đạp, xe máy cũng không hề thua kém, sẵn sàng "đi tắt đón đầu", tạt ngang đầu ô tô, vác xe băng qua dải phân cách cứng; chạy xe trên vỉa hè; lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép, đùa giỡn với tử thần... Mỗi khi va quệt, vi phạm luật, thậm chí chết hụt thì... cười rất tươi, không hề biết lỗi; có khi còn lao vào gây sự đánh nhau, gây tắc đường.
Với thực trạng như vậy, chúng ta có thể làm gì để chống ùn tắc, chống tai nạn giao thông? Đổi giờ học, giờ làm việc ở TP Hà Nội vừa qua chỉ là một trong nhiều biện pháp. Những biện pháp căn cơ, khoa học, bền vững phải là cải thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, là phải có thêm đường bộ, cầu vượt, đường sắt trên cao, metro dưới lòng đất... Nhưng như thế thôi cũng chưa đủ, mà còn phải giảm tải dân số đô thị, nhất là các quận trung tâm; là phải di dời các trường đại học, bệnh viện; là phải tăng cường quản lý xây dựng, hạn chế chiều cao các công trình; là phải tăng cường công tác điều hành, quản lý giao thông; phải tăng mức xử phạt để răn đe; là phải tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục; v.v… và v.v...
Trong rất nhiều biện pháp, cái có thể giúp giảm nhanh ùn tắc, tai nạn giao thông mà ít tốn tiền của, công sức là nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Những chuyển biến, tiến bộ đạt được gần đây hãy còn rất khiêm tốn. Mong sao tất cả mọi người tham gia giao thông ở nước ta, sau khi nghe xong bản tin "Chào buổi sáng", ai nấy ra đường tham gia giao thông thật trật tự, thật đúng luật, thật văn hóa, thì dù hạ tầng giao thông dẫu còn nhiều bất cập, nhưng chắc chắn sẽ ít xảy ra ùn tắc, không xảy ra tai nạn quá nhiều như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.