Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mong muốn Thủ đô ngày càng phát triển

Nhóm PV| 08/03/2012 06:41

(HNM) - Nghị quyết số 11-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của Bộ Chính trị đối với Thủ đô - trái tim của cả nước. Xung quanh vấn đề này, Báo Hànộimới đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của người dân…


Ông Trương Thanh Hóa (Đại tá, nguyên cán bộ Cục Kế hoạch - Đầu tư,Bộ Quốc phòng nghỉ hưu tại tổ 11, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai): Xác định trúng những khiếm khuyết củaThủ đô

Nội dung mà tôi thấy tâm đắc nhất là Nghị quyết 11 đã chỉ rõ, xác định rất đúng, trúng những tồn tại của Thủ đô, đồng thời cũng là những bức xúc dân sinh, những vấn đề đang tốn nhiều giấy mực của báo giới như quản lý đô thị, quy hoạch, đất đai, xây dựng, úng ngập, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, tăng dân số cơ học... Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận khách quan rằng, việc mở rộng Thủ đô mang đến nhiều thuận lợi cho phát triển KT-XH, song cũng khiến Thủ đô của chúng ta chịu nhiều thách thức, nhất là tình trạng ùn tắc giao thông đang trở thành vấn nạn của khu vực nội đô. Thành phố đang tiến hành nhiều biện pháp cứng rắn: thay đổi giờ học, giờ làm việc; rút giấy phép 262 điểm trông giữ xe... bước đầu có những tác động tích cực đến tình hình giao thông.

Bà Nguyễn Thị Quyên (Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Bách Mỹ, phường Nhân Chính, Thanh Xuân):Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên

Tôi rất mừng khi Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô Hà Nội đã chỉ ra được những khuyết điểm đang tồn tại trong suốt một thời gian dài, là nguyên nhân kéo lùi sự phát triển của Thủ đô về mọi mặt. Thực tế cho thấy, những tồn tại đó đều xuất phát từ ý thức chủ quan của con người, mà cụ thể là của chính những người đang chỉ đạo, điều hành và thực hiện các công việc. Để tạo sự thay đổi, điều mấu chốt vẫn là thay đổi suy nghĩ, ý thức, tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, người lao động trước xã hội. Muốn làm được điều này, những người được giao trọng trách lãnh đạo, điều hành ở các cơ quan, đơn vị phải là những người "nói đi đôi với làm", phải quyết liệt, là tấm gương tốt trước tập thể. Nếu mỗi cán bộ, đảng viên không tự rèn luyện, sợ trách nhiệm thì hệ thống chính trị khó được tăng cường, củng cố.

Ông Lê Tiến Đạt (CCB phường Thượng Thanh, quận Long Biên): Rút ngắn khoảng cách giàu, nghèo giữa thành thị và nông thôn

Một trong những hạn chế của Hà Nội mà Nghị quyết 11 chỉ rõ là khoảng cách giàu, nghèo giữa thành thị và nông thôn còn lớn. Sau khi mở rộng địa giới hành chính, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội tăng đáng kể, tỷ lệ thuận với cư dân nông thôn. Trong khi đời sống của người dân nội thành được nâng cao cả về vật chất, tinh thần, thì ở các vùng nông thôn như Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất... người dân vẫn còn rất nhiều khó khăn. Đa số người dân sống thuần nông hoặc chỉ dựa trên thu nhập ít ỏi từ nghề phụ, hệ thống đường sá, y tế, trường học, nước sạch... rất sơ sài, thiếu thốn. Tại nhiều nơi, tốc độ đô thị hóa nông thôn mạnh, khiến nông dân mất đất sản xuất, rơi vào cảnh không có việc làm, không thu nhập... Tất cả đã đẩy khoảng cách thu nhập giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị ngày một xa. Để xóa dần khoảng cách này, chúng ta phải tích cực nhân rộng mô hình nông thôn mới, quy hoạch lại các làng nghề, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp để giúp người dân nâng cao thu nhập, đồng thời phải quan tâm hơn nữa đến đời sống văn hóa, tinh thần của người dân khu vực nông thôn...

Ông Chu Văn Thoa (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng): Cơ chế chính sách cần đồng bộ

Có một hạn chế đã được chỉ ra trong Nghị quyết mà tôi thấy xuất hiện ở nhiều nơi, đó là việc "cơ chế, chính sách có liên quan đến Hà Nội chưa đồng bộ, nhiều mặt chưa phù hợp với yêu cầu, đặc điểm và nhiệm vụ của Thủ đô…". Điều này thể hiện rõ nhất trong việc triển khai công tác thu hồi đất, GPMB để thực hiện các dự án trên địa bàn. Các cơ quan chức năng luôn phải đối mặt với tình trạng đơn khiếu kiện vượt cấp, đông người, gây áp lực cho thành phố. Nếu chúng ta có chính sách phù hợp, đồng bộ và thống nhất thì công tác GPMB sẽ gặp ít trở ngại hơn, tạo sự đồng thuận trong nhân dân… Từ thực tế này, mong rằng các nhà hoạch định chính sách cần có cách nghiên cứu, nhìn nhận hợp lý, nhằm đề ra những văn bản, chính sách phù hợp.

Bà Dương Thanh Thùy (tổ 5, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa):Từ những vấn đề thiết thực trong cuộc sống

Nghị quyết đưa ra mục tiêu "phấn đấu Hà Nội trở thành thành phố xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại", thiết nghĩ đây là tiêu chuẩn mà bất kỳ người dân nào yêu mến, gắn bó với Thủ đô đều mong muốn. Để đạt được tiêu chí này, trách nhiệm trước hết thuộc về mỗi công dân Thủ đô với những việc hằng ngày, thiết thực trong cuộc sống như giữ gìn đường ngõ sạch đẹp, thông thoáng; không lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh; không xả rác ra đường, bà con dân phố sống đoàn kết, tương trợ nhau, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc xây dựng, cải tạo nhà ở, trồng và bảo vệ cây xanh, tài sản nơi công cộng, vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình, hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước... Tiêu chí "Người Hà Nội thanh lịch, văn minh" trước hết thể hiện ở những việc tưởng như nhỏ trong cuộc sống hằng ngày và nếu mỗi người dân chúng ta thực hiện tốt những công việc đó là đã góp phần đưa Nghị quyết 11 thành công trong thực tiễn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mong muốn Thủ đô ngày càng phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.