(HNMCT) - Nhà nghiên cứu Đàm Quang Minh là người say mê âm nhạc truyền thống, người "khởi dựng" nhóm Đông Kinh cổ nhạc. Tỉ mỉ và đầy tâm huyết, anh đã có nhiều thử nghiệm thành công, từ Tố nữ dân ca, Tiếng trúc tiếng tơ đến 13 số Chuyện nhạc phố cổ, kết hợp nhạc Trịnh với điệu ca Huế trong chương trình “Vọng cố đô”, thử nghiệm hòa điệu cổ nhạc Việt Nam cùng nhạc đương đại phương Tây... Trao đổi với Hànộimới Cuối tuần, anh bày tỏ mong muốn những giá trị của quá khứ phải sống trong lòng người xem hôm nay.
- Thưa nhà nghiên cứu Đàm Quang Minh! Mới đây, anh cùng các thành viên nhóm Đông Kinh cổ nhạc đã thể hiện thành công chương trình hát thơ thiền mang tên “Việt thiền âm”. Anh có thể chia sẻ đôi chút về dự án mới này?
- Thơ văn thời Lý - Trần là tinh hoa trí tuệ Việt, chứa đựng gia tài tư tưởng, văn hóa rất lớn. Chúng tôi muốn gợi mở để khán giả cảm nhận được giá trị của kho tàng tri thức đó.
Cách đây 7 năm, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Xuân Hoạch và NSND Thanh Hoài đã hát thơ thiền trong một chương trình biểu diễn tại Pháp. Chúng tôi nung nấu ý tưởng thực hiện một chương trình hát thơ thiền tại Hà Nội. Tôi đã biên dịch các bài thơ từ chữ Hán, lồng điệu với các thể hát của âm nhạc truyền thống. Điều này đòi hỏi sự công phu và sức lao động của các nghệ sĩ, sao cho vừa có thần thái của các bộ môn âm nhạc vừa có tinh thần của thiền, kết nối Đời và Đạo trong một tiếng ca, câu nhạc. Thông thường nhạc thì để diễn, thiền thì để tư duy; kết nối hai phần tư duy và tình cảm không phải là việc dễ dàng.
- Hiện nay có rất nhiều cách ứng xử với âm nhạc truyền thống, là một người chuyên về âm nhạc dân tộc, quan niệm của riêng anh như thế nào?
- Ứng xử với âm nhạc truyền thống thì mỗi người một cách. Có người dùng nó như đồ trang sức, có người dùng để đối thoại, có người dùng như đó là của chính mình. Chẳng hạn như nhạc sĩ Quốc Trung thường dùng những gì anh ấy yêu thích trong dân gian để đưa vào âm nhạc của anh. Cố nhạc sĩ Vũ Nhật Tân lại có sự đối thoại giữa nhạc ngữ truyền thống và nhạc ngữ đương đại. Những người như NSND Xuân Hoạch, NSND Thanh Hoài cùng nhóm Đông Kinh cổ nhạc chúng tôi lại chọn cách sống trọn vẹn trong cảm xúc của nhạc cổ. Tôi rất không đồng tình với việc “nhại” di sản, tầm thường hóa di sản. Những câu hát, điệu hát xưa là sự chắt lọc của nhiều thế hệ, được cất lên từ trong sâu thẳm tâm hồn, lay động lòng người.
- Cái khó của việc bảo tồn nguyên vẹn là khán giả hôm nay đã khác xưa, bối cảnh cuộc sống cũng vậy. Anh giải quyết vấn đề này như thế nào?
- Mong muốn của chúng tôi là làm thế nào để các giá trị truyền thống sống được trong đời sống hôm nay, cho khán giả được sống với quá khứ thông qua âm nhạc. Chương trình “Chuyện nhạc phố cổ” là để chúng ta sống với cuộc đời, còn chương trình “Việt thiền âm” là để chúng ta sống với ký ức Thăng Long. Việc của tôi là làm thế nào để nghệ sĩ hát đúng. Điều này nghe có vẻ khó nhưng quan trọng là mình ý thức được quá khứ là quá khứ và hiểu nó với tư cách là người đang sống chứ không phải là đóng giả một ông vua hay một nhà thơ thể hiện các bài thơ thiền. Quá khứ nếu không sống trong lòng người hôm nay thì sẽ không còn là ký ức nữa. Ký ức phải có tình cảm, nếu không sẽ giống như cánh đồng hoang phế, không còn giá trị sử dụng.
- Việc xây dựng được một dàn nhạc giao hưởng dân tộc là điều mà nhiều nghệ sĩ mơ ước để có thể đưa âm nhạc dân tộc ra thế giới. Ở thời điểm này, theo anh, để thực hiện điều đó chúng ta cần hoàn thiện những vấn đề gì?
- Nguyên lý của nhạc cổ là nhạc của tình cảm. Nó là những cung bậc của giai điệu để nói lên tiếng lòng của con người chứ không phải là âm nhạc của tư duy logic.
Nhạc cổ của Việt Nam có những cái mà nhạc phương Tây không có. Ví dụ như sự đa dạng về khung tiết tấu để thể hiện tình cảm, hay âm sắc của nhạc khí. Người ta có violon, mình có hồ đại, hồ trung..., tất cả các cung bậc đều có. Nhưng mình không có kỹ thuật để hòa thanh, phối khí giống như phương Tây, nên khi âm nhạc dân tộc đối thoại với dàn nhạc giao hưởng của nhạc trưởng Jeff von der Schmidt trong tác phẩm Kim Thủy Hỏa của Vũ Nhật Tân đã bộc lộ một số khó khăn. Khi mình hát trong không gian nhỏ ở sân khấu 50 Đào Duy Từ thì đơn giản, nhưng khi chuyển sang một không gian lớn hơn thì bắt buộc phải tính lại về kỹ thuật âm thanh. Không gian nhà hát là người ta tính dành cho violon, cello, piano để hòa thanh chứ không tính cho cách hát ngồi xuống chiếu của mình. Nếu không tính về cách hát, cách đối thoại... thì nhạc cổ Việt Nam không thể nào vào được nhà hát Opera, không thể tồn tại trong không gian giao hưởng mà chỉ mãi mãi diễn trong những phòng diễn tạp kỹ nhỏ.
- Trân trọng cảm ơn anh!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.