Theo quy định mới của Luật Căn cước, mống mắt của công dân được tích hợp vào cơ sở dữ liệu căn cước. Đây là bộ phận đã được các quốc gia trên thế giới sử dụng, phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau.
Mống mắt: Bộ phận độc nhất của mỗi người
Mống mắt hay còn được gọi là tròng đen của mắt, là bộ phận bao gồm các đường vân rất phức tạp hay những gợn sóng tạo thành một cấu trúc riêng biệt.
Chính vì thế, mống mắt của mỗi người là duy nhất, thậm chí còn có sự khác nhau về đường vân giữa hai mắt của một người.
Theo các chuyên gia, mống mắt mỗi người được hình thành từ 10 tháng tuổi, bộ phận này sẽ không có sự thay đổi nhiều theo thời gian, nghĩa là các đường vân, gợn sóng của mống mắt mỗi người sẽ giữ nguyên.
Chính nhờ những yếu tố này, mống mắt có thể xác định danh tính của một cá nhân cụ thể.
Việc sử dụng mống mắt để đưa vào cơ sở dữ liệu căn cước có nhiều lợi ích, nó sẽ hỗ trợ trong những trường hợp công dân không thể thu nhận được vân tay như người khuyết tật, hay những người có vân tay bị biến dạng. Quá trình thu thập mống mắt của mỗi cá nhân cũng rất nhanh.
Nhiều lợi ích
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã sử dụng mống mắt để đưa vào cơ sở căn cước quản lý công dân, công nghệ sinh trắc này còn được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.
Đầu năm 2023, Chính phủ Ấn Độ cho phép các ngân hàng sử dụng quét mống mắt nhằm giảm tình trạng gian lận và trốn thuế.
Hoa Kỳ cũng đã trang bị hệ thống nhận diện mống mắt để đối chiếu hồ sơ xuất, nhập cảnh, nhằm xác định những người nước ngoài có thị thực hết hạn.
Ở một số dòng điện thoại thông minh hiện nay, các nhà sản xuất tích hợp công nghệ bảo mật quét mống mắt. Nó cho phép người dùng có thể mở khóa điện thoại, xác nhận thanh toán trực tuyến, điền thông tin cá nhân trên website một cách nhanh chóng và bảo mật.
Sáng 27-11, Quốc hội thông qua Luật Căn cước, trong đó thẻ căn cước công dân cũng sẽ được đổi tên thành thẻ căn cước từ 1-7-2024, khi Luật Căn cước chính thức có hiệu lực thi hành.
Điều 15, Luật Căn cước quy định, cơ sở dữ liệu căn cước của công dân gồm nhiều trường thông tin. Trong số này, có thông tin về nhận dạng; thông tin sinh trắc học (ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói); nghề nghiệp (trừ lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân, cơ yếu).
Đặc biệt, Luật Căn cước đã bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân.
Riêng thông tin về nhóm máu, Luật Căn cước quy định không bắt buộc người dân phải cung cấp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.