Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mong hong khô nước mắt Quảng Bình

Nguyễn Hòa Bình| 11/10/2010 07:38

(HNM) - Sáng 10-10, chúng tôi dậy thật sớm để chuẩn bị lên đường. Đêm nghỉ lại Hà Tĩnh cũng là đêm nhiều day dứt nhất, bởi những câu chuyện anh em Báo Hà Tĩnh, anh em trong nhóm PV tác chiến đầu tiên của Báo Hànộimới kể lại cứ ám ảnh tôi suốt.

Tôi đã về Hà Tĩnh trong những ngày buốt giá đầu năm 2008 trong chương trình "Lửa ấm về  các miền quê" để giúp người nông dân mảnh đất này có được công cụ sản xuất mà vượt qua mất mát. Hà Tĩnh mình ơi! Sao mà thương đến thế. Cái mảnh đất của nắng và gió ấy cùng với cả dải đất miền Trung thân thương này có năm nào không bão giông, lũ lụt, có năm nào không mặn trong nước mắt…

Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Kiều Ngọc Kim trao quà cho gia đình có người thân bị thiệt mạng tại xã Liên Trạch.


Đường về với Quảng Bình còn in đậm dấu tích của trận lũ lịch sử. 60 năm. Vâng 60 năm chưa bao giờ đất Quảng Bình gặp trận lũ lớn như thế. Với người Quảng Bình, chạy lũ, tránh lũ dường như trở thành bản năng tự nhiên, nên hầu như cứ đến mùa mưa bão người Quảng Bình biết thu dọn thóc lúa, đồ đạc xếp lên nơi cao ráo. Nhưng, người Quảng Bình ở những vùng đất như Đồng Hới, Bố Trạch nơi không mấy khi gặp lũ dữ lại không có thói quen ấy. Ai biết năm nay cả Quảng Bình ngập chìm trong nước.

Quảng Tùng, Quảng Hưng, Quảng Thọ, Quảng Thuận... những tên đất của Quảng Trạch nơi QL 1A chạy qua cũng là nơi cơn lũ đi qua, dấu vết còn đọng trên nền đường, trên từng ngọn cây, bờ cỏ. Những vệt đất, cát loang lổ đổ dài trên nền, bờ đường; trong ong ong màu nắng, những thửa ruộng trồng lúa, trồng rau màu ngày nào giờ nơi còn loang nước, nơi sạm một màu tàn úa, thoảng mùi hoai hoai của cỏ cây rữa nát. Bắc Trạch, Thanh Trạch, Hài Trạch... đã khô ráo nhiều, nhưng nhìn những bờ chuối đổ ngả nghiêng, tàu gãy gập đã úa vàng, tàu còn ngóc lên được tướp táp như tấm vải rách.

Nhìn đồng hồ, biết vẫn kịp giờ hẹn với lãnh đạo MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình, tôi nói với lái xe Đức Lợi cho dừng xe ven đường. Gặp cụ Dương Thị Doanh nhà ở thôn 4 Đồng Trạch, Bố Trạch, hỏi thăm mấy câu biết con trai cụ, anh Đỗ Tuyến có cửa hàng bán tạp hóa ven đường, ngày lũ về nhà ngập tới ngang bụng, hàng hóa trôi gần hết, thiệt hại đến ba chục triệu đồng. Nhà anh mất của cải, nhưng còn cái ăn, nhiều nhà trong thôn mất trắng hết. Vào ngày nước mênh mông thế, ai lo được mà tồn tại đã là may.

Đã đặt lịch trước với anh em Báo Quảng Bình, chúng tôi ghé qua tòa soạn để thống nhất chương trình làm việc. Ngày nước mấp mé bờ sông Nhật Lệ, Đồng Hới cũng như bơi trong biển nước. Anh em trong báo cũng lao đi khắp nơi mà lo phản ánh cho trung thực, cho nhanh nhất những thiệt hại về người và của mà người dân Quảng Bình gánh chịu. Cũng những ngày đầu tiên ấy, theo anh Hoàng Minh Tiến - TBT Báo Quảng Bình: "Các anh Báo Hànộimới đã có mặt ngay với chúng tôi. Cảm động quá!".

Số tiền 100 triệu đồng do cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Hànộimới gửi tặng các gia đình có người chết, mất tích, bị thương thuộc các tỉnh miền Trung cũng đã đến ngay với Quảng Bình, được chính các bạn đồng nghiệp Báo Quảng Bình cùng đồng hành với chúng tôi đưa tận tay các gia đình bị nạn.

Các anh Lương Văn Luyến - Chủ tịch, Nguyễn Xuân Hiếu - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh thay mặt Ban tiếp nhận cứu trợ của Quảng Bình đã nhận từ Quỹ Trái tim nhân ái của Báo Hànộimới số tiền 700 triệu đồng do Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD - 500 triệu đồng), Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico - 200 triệu đồng) đóng góp.

Thay mặt Tập đoàn HUD, các anh Nguyễn Văn Dân - Chủ tịch HĐQT Công ty HUD1; Trần Trọng Nam - Giám đốc BQL các dự án của HUD tại Hà Tĩnh, cũng vào tận Quảng Bình để xin được nói thêm về tình cảm của cán bộ, nhân viên Tập đoàn dành cho bà con vùng bị ảnh hưởng do cơn lũ, trong đó có Quảng Bình.

Con số thiệt hại 1.272 tỷ đồng của Quảng Bình dẫu là quá lớn nhưng không thể xát đau lòng chúng tôi trước bản danh sách có đầy đủ tên họ, địa chỉ của 44 người đã chết, 16 người mất tích và 64 người bị thương vì lũ ác. Không khóc nổi nữa trước mất mát quá lớn này. Nước mắt như nghẹn lại, đông cứng lại trước nỗi đau.

Ngay 13h chiều chúng tôi quyết định phải đến một xã bị thiệt hại nặng nề nhất của Quảng Bình để tận tay trao những đồng tiền mang hơi ấm của người làm báo Hà Nội đến với bà con, để cứ mong hong khô nước mắt bà con ngày sau lũ.

Đường về Liên Trạch chỉ chừng mấy chục cây số. Xe chạy tắt qua tỉnh lộ ĐT 570 thì gặp đường Hồ Chí Minh. Qua km 965 lòng đường đã hẹp lại khi cả một đồi đất từ ta-luy phía trái hướng xe chạy dẫu đã được dọn gọn vẫn cao tới cả thước. Các km 964, 963 có thêm mấy điểm sạt lở nhỏ, nhưng qua km 962 thì đúng là có một núi đất che kín lòng đường.

Tốp công nhân của Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ 494 đang thu dọn đất đá và bảo đảm giao thông cho biết: Lượng đất đá vùi kín lòng đường ở đây vốn tới 21.000m3. Ngay sau khi sạt lở đơn vị đã điều ngay các máy móc chuyên dụng để trong ngày 3-10 bảo đảm thông xe. Hiện tại luôn có một máy xúc và ba xe tải BKS 73L-8782, 73L-0222 và 73L-9336 đảm nhận việc thu dọn, bốc chỗ đất đá, trả lại đủ diện tích lòng đường.

Qua lối rẽ vào rừng quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, dừng lại để chờ đoàn xe của Tập đoàn Sơn Hà chở 30 tấn gạo lên giúp đỡ bà con Liên Trạch theo kịp; bên lề đường, nơi bên phải hướng xe chạy,  tôi nhận ra cả một vùng đồng ruộng của Sơn Trạch (thuộc huyện Bố Trạch) dường như mang một màu quạnh đỏ, cái màu của bùn lũ, của đất rừng Trường Sơn, ủ đầy nắng đỏ và hanh khô gió Lào. Cả một không gian mênh mông  ngập gió ấy bốc lên một thứ mùi nồng nồng, hôi hôi của cây cỏ, của xác động vật chết đang rữa ra trong nắng.

Qua cầu Xuân Sơn, rẽ theo bờ nước về với Liên Trạch, con sông Son ngày nào trong mát hôm nay vẫn ngầu đục, nhìn những hàng cây ven bờ vẫn mắc đầy rêu rác, mà độ cao tới cả vài mét tôi có thể hình dung ra ngày lũ vừa rồi, khi cả khu vực này mênh mông trong biển nước.

Liên Trạch đây rồi. Cái xã nhỏ bên dòng sông Son chỉ với 94 hộ, 3.940 nhân khẩu sao tang tóc đến nhường này. 810 nhà ngập, 4 nhà đã bị lũ cuốn trôi; 45 con trâu, bò, 2.000 con lợn, 4.000 con gia cầm theo nước lũ mà đi. Một xã nhỏ, nghèo mà thiệt hại vật chất ước tính gần 55 tỷ đồng thì đâu là nhỏ. Nhưng đau xót nhất là xã có tới 5 người chết, lại hầu hết là người già và trẻ em.

Các anh Nguyễn Văn Doan - Phó Chủ tịch UBND huyện, Hoàng Văn Minh - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện, Hoàng Trọng Thể - Chủ tịch UBND xã cứ chạy ngược, chạy xuôi để hết đôn đốc tốp này xếp lại hồ sơ đang phơi cho đúng tập, lại nhắc nhóm kia yêu cầu bà con chờ thứ tự, theo từng hộ để ra nhận gạo cứu trợ.

Mang theo số tiền cứu trợ khẩn cấp cho các gia đình có người bị chết, chúng tôi xuống ngay nhà bà Trần Thị Thỉ có chồng là ông Trần Quốc Tuấn và đứa cháu ngoại 5 tuổi là Trần Danh bị chết trong cơn lũ. Bà Thỉ có 3 người con thì chị Trần Thị Thu Thủy (mẹ cháu Danh) hoàn cảnh cũng éo le nên gửi con cho bố mẹ để đi xuất khẩu lao động. Hai cậu con trai là Trần Nhật Thành và Trần Lữ Đoàn đều đi công tác nên lũ về ông cháu không kịp trở tay. Khăn tang đã trắng một góc nhà, không biết ngày về nước, khi đứa con thân yêu đã không còn, chị Thủy có còn nước mắt khóc cha, lại khóc cả con?

Thắp nén nhang cầu mong cho linh hồn hai ông cháu được về cõi vĩnh hằng, trao tận tay bà Thỉ và các con bà những đồng tiền của Quỹ Trái tim nhân ái, nhìn gương mặt khắc khổ của bà đã ánh lên nét xúc động, chúng tôi biết rằng, sự đóng góp của mình chỉ là phần vô cùng nhỏ bé trước nỗi đau mất mát này.
Chúng tôi đến nhà ông Trần Xuân Ôn, thắp cho vợ ông là bà Nguyễn Thị Đoài một nén tâm nhang, gửi tặng ông và gia đình quà của Quỹ Trái tim nhân ái để lại kịp quay về trụ sở UBND xã nơi bà con đang chờ chúng tôi, chờ những chiếc xe gạo của Tập đoàn Sơn Hà đang đến.

Hỏi chuyện mấy đứa trẻ thay mặt ông bà, bố mẹ ra nhận hàng cứu trợ tôi cứ xót xa khi thấy đứa nào cũng quắt queo, mới tý tuổi mà sạm màu nắng, gió. Trần Thị Hồng Nhung, Đinh Công Mạnh, Đinh Tuấn Vũ... toàn trà tuổi 13, 14 cả mà người thì nhỏ thó, nhanh nhẹn đấy nhưng nom tội quá. Lũ trẻ vây lấy tôi mà tranh nhau kể nhà đứa nào mất mát nhiều hơn để được ghi tên trước hơn, chúng hồn nhiên quá khi quần áo, sách vở theo lũ đi cả rồi. Tôi phải vội quay mặt đi nuốt nước mắt vào lòng. Chúng sẽ lấy đâu áo quần đi học, bao giờ chúng sẽ quay lại lớp? Tôi cứ tiếc, giá đoàn chúng tôi mang theo, chắc mỗi đứa sẽ có dăm quyển vở và cái bút viết...

Lại quay sang hỏi chuyện mấy o đứng góc sân chờ tới lượt xã gọi tên nhận quà cứu trợ. Đinh Thị Liễu, Nguyễn Thị Bông, Lê Thị Hoa... đều trạc tuổi 50 cả mà nom khắc khổ quá. Nhà các chị cùng ở ven bờ sông Son nên lũ về "ngập đến tận nóc, may mà người chạy kịp, chứ đồ đạc biết chạy mô". Ba người đàn bà ấy, mỗi người đều có tới 4 đứa con, con lũ lớn như thế, mấy ngày nhịn đói liền, có chút gì ăn "dành cho chúng nó hết". Nhưng, có lẽ tôi sẽ mãi còn day dứt khi một cô gái cứ ngỡ tôi ở ban cứu trợ có thể xét công minh cho cô khi nhà cô giờ mất trắng, một nách lại còn hai đứa nhỏ, hôm nay tồn tại đã khó, ngày mai biết sống bằng gì? Cô nhất quyết yêu cầu tôi phải ghi tên, tuổi đầy đủ. Chắc chắn cái tên Nguyễn Thị Huê, 33 tuổi ấy tôi không bao giờ quên được.

Chuyển cho các anh trong UBMTTQ tỉnh Quảng Bình những suất quà mà Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới phần lớn do các DN, tổ chức đóng góp dành cho mỗi gia đình ở xã Liên Trạch, lại nhờ các anh chuyển đến tận tay bà con, tôi chợt nhận ra trong cái nắng chiều ấm nóng đến bất thường, nhìn ánh mắt mong đợi của các bà, các chị, bắt gặp nét hồn nhiên của lũ trẻ đang cười đùa hớn hở trước sân UBND xã, có lẽ để hong khô nước mắt Liên Trạch hôm qua, chỉ có những tấm lòng nhân ái mới đủ làm ấm lên những mảnh đời giá lạnh.

Đêm Quảng Bình 10-10-2010

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mong hong khô nước mắt Quảng Bình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.