(HNM) - Chuyến xe khách từ Xuân Trường, Nam Định đến Bến xe phía Nam lúc 11h ngày 9-10. Hành khách lục đục xuống xe, ông Thịnh là người đi sau cùng, vì còn khệ nệ ôm theo chục cân gạo mới - quà quê cho ông bạn chí cốt từ ngày còn ở chiến trường.
Lần này ra Hà Nội thăm bạn và cũng là để ngắm phố phường dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông không báo trước để bạn bất ngờ. Từ chối mấy bác "xe ôm" ở cổng bến xe, ông quyết tâm đi xe buýt đến nhà bạn. Đã hỏi địa chỉ, đường đi lối lại thật kỹ, nhưng lúc ra đến điểm chờ, ông chẳng thấy chiếc xe nào ghi điểm đến là cổng Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Hết chuyến xe này đến chuyến xe khác xuất bến làm ông Thịnh nóng hết ruột gan. Đột nhiên ông nghe có tiếng hỏi:
- Bác ở xa đến à? Giờ bác muốn về đâu?
Ngoảnh lại, ông Thịnh thấy một chàng thanh niên dáng vẻ hiền lành đang đứng cạnh chiếc xe máy. Mừng quá, ông bảo:
- Tôi ở Nam Định lên, muốn đến cổng Học viện Báo chí và Tuyên truyền anh ạ, nhưng chẳng biết đi xe buýt nào, ở đây nhiều xe quá, hoa hết cả mắt...
Anh thanh niên nhanh nhảu nói:
- Thế thì bác phải đi tuyến xe số 16, qua đường Giải Phóng - Trường Chinh - Cầu Giấy rồi mới đến được cổng Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ở đường Xuân Thủy.
Ông Thịnh mừng quá, chưa kịp nói gì thì anh thanh niên vội giơ tay chỉ:
- Xe 16 đến rồi, bác lên nhanh đi, cửa lên ở đằng trước đấy ạ!
Đúng lúc đó, một chiếc xe buýt to kềnh càng từ từ dừng lại. Ông Thịnh lập cập chạy đến, anh thanh niên cũng vội bước theo, đỡ cho ông bao gạo lên xe. Chiếc xe buýt lăn bánh, ông Thịnh đang loay hoay tìm chỗ ngồi thì một cô gái đã đứng lên nhường chỗ cho ông.
Câu chuyện đi xe buýt được ông Thịnh kể ngay với bạn khi vừa tìm đến nhà. Ông vui không chỉ bởi ấn tượng tốt đẹp về người Hà Nội văn minh, thanh lịch, mà còn coi đó như một món quà mà Hà Nội đã tặng cho ông trong chuyến đi nhiều ý nghĩa này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.