Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Món quà” cho G20

Vân Khanh| 27/06/2010 06:30

(HNM) - Gạt bỏ hoài nghi về tuyên bố nới lỏng biên độ tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT), Trung Quốc vừa thể hiện thiện chí "rút lửa" cho cuộc chiến tiền tệ nóng bỏng với Mỹ và phương Tây chỉ 24 giờ trước khi khai cuộc Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra tại Toronto (Canada).

Quyết định của Ngân hàng trung ương Trung Quốc xác lập tỷ giá hối đoái của đồng bạc hồng ngày 25-6 ở mức cao kỷ lục, 1 USD đổi được 6,7896 NDT, tăng 0,53% từ đầu tuần đến nay và là mức cao nhất kể từ khi Bắc Kinh định giá lại đồng nội tệ 5 năm trước đã được cả thế giới quan tâm.

Đây được xem là một "cú sốc êm ái" trên thị trường tiền tệ toàn cầu sau nhiều giằng co giữa Trung Quốc và các đối tác trong những năm qua về tỷ giá đồng NDT.

Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế và quốc gia 1,3 tỷ dân này lại đang hướng vào một chủ đề khác từ sự đổi thay này. Đó là ai sẽ được gì và ai sẽ mất gì sau khi đồng bạc hồng được tăng giá? Trước tiên, với vai trò tiên phong trong cuộc chiến "tỷ giá", sự chuyển biến mang tính đột phá trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc được nhìn nhận như một thắng lợi cả về kinh tế và chính trị của Washington. Và thứ đến, cả thế giới đã nhẹ nhõm khi chứng kiến sự "cởi mở" trên thị trường tiền tệ toàn cầu không phải xuất phát từ Âu hay Mỹ mà lại đến từ Trung Quốc - quốc gia từ lâu được xem là "lá chắn thép" khó xuyên thủng của câu chuyện tỷ giá. Trên thực tế, thâm hụt thương mại ngày càng nới rộng với bạn hàng lớn thứ hai của Mỹ sau Canada với kim ngạch hai chiều năm 2009 là 366 tỷ USD từ lâu đã là cái gai sẵn sàng làm rỉ máu mối quan hệ lúc nồng ấm, khi lạnh nhạt giữa Mỹ và Trung Quốc. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2010, con số thâm hụt lên đến 71 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái đã khiến chính quyền của Tổng thống Barack Obama chịu sức ép lớn phải hành động từ các chính trị gia trong nước. Những con số "biết nói" tỏ rõ Washington sẽ được hưởng lợi trước tiên với cú "nhả neo" đồng NDT được trông đợi đã lâu từ Bắc Kinh.

Song nước Mỹ không chỉ là "người được" duy nhất. Sự kiện đồng NDT tăng giá như con đê trước làn sóng hàng Trung Quốc đang hiện diện trên khắp thế giới giúp những nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, một số nước Đông Nam Á, Mỹ Latinh... tăng sức cạnh tranh từ đối thủ khổng lồ Trung Quốc. Ngoài ra, đây cũng là tín hiệu tốt lành đối với nhiều đối tác của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong thời buổi "người khôn của khó" như hiện nay.

Thế nhưng, sự từ bỏ cơ chế ấn định giá NDT của Trung Quốc rõ ràng không chỉ đơn giản để làm "đẹp lòng" các đối tác, đặc biệt là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) mà quan trọng hơn, nó thực sự mang lại lợi ích cho chính Trung Quốc. Đồng NDT mạnh sẽ là công cụ hiệu quả giúp kiềm chế lạm phát, "làm mát" nền kinh tế đang phát triển quá nóng; đồng thời giúp nước này tiết kiệm được hàng tỷ USD khi nhập khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, lợi thế đầu tư ở những quốc gia khác sẽ khiến đồng NDT hỗ trợ hiệu quả chiến lược gia tăng sự hiện diện thương mại mang nhãn hiệu Trung Quốc tại nhiều nước trên thế giới.

Giải đáp câu hỏi về tỷ giá đồng NDT đúng vào thời điểm Hội nghị G20 khai mạc được xem là luồng gió làm dịu mát bầu không khí "ngột ngạt" của nợ công đang đốt nóng nhiều nội các trên thế giới. Trung Quốc đã có màn "tránh hạ" đủ để trở thành chủ đề tích cực tại cuộc gặp của những "ông lớn" tại Canada; đồng thời mang tới G20 ở Toronto một món quà từng được không ít người mong đợi. Dường như đã đến lúc Trung Quốc nhận thấy rằng tháo chốt "tỷ giá" sẽ mở ra cánh cửa lớn trong hợp tác với các định chế kinh tế hàng đầu thế giới. Đương nhiên, mục tiêu này không hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc. Thái độ thận trọng của Tổng thống Mỹ Barack Obama trước sự chuyển động tỷ giá được xem là lớn từ châu Á thể hiện rõ mối quan tâm của Mỹ về "món quà" ngay trước G20 này. Nhà Trắng cho rằng còn quá sớm để nhận rõ đường đi của tỷ giá đồng NDT. Điều đó cho thấy, chưa thể lạc quan về sự kết thúc của cuộc chiến "tỷ giá" từng kéo dài nhiều năm giữa những đối thủ kinh tế trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Món quà” cho G20

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.