Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Món ngon" từ đất Bắc

Cao Ngọc| 20/10/2012 07:27

(HNM) - Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc 2012 bắt đầu khai màn tối nay (20-10) tại tỉnh Đồng Nai, 22 đoàn nghệ thuật cải lương chuyên nghiệp tham dự với 27 vở diễn. Cải lương đất Bắc lần này tự tin hơn, hứa hẹn sẽ có

Cảnh trong vở diễn “Khi hoa nở trái mùa”.


Năm nay, liên hoan quy định các tác phẩm tham dự phải là những kịch bản tâm lý xã hội đương đại được sáng tác từ năm 1930 trở lại, không có đề tài lịch sử, dã sử, dân gian và thần thoại. Đồng thời liên hoan cũng khuyến khích những kịch bản mới, những sáng tạo mới trong công tác dàn dựng. Những gương mặt đạo diễn quen thuộc của cải lương phía Bắc như: Hoàng Quỳnh Mai, Triệu Quang Hùng, Triệu Trung Kiên... đều có vở diễn dự thi. Nổi bật là vở "Cõi tình", "Vú cát" của Nhà hát Cải lương Việt Nam; "Mong gió đừng đổi chiều", "Khi hoa nở trái mùa", "Nguồn sáng phía chân trời" của Nhà hát Cải lương Hà Nội; "Biển và bờ" của Đoàn Cải lương Hải Phòng; "Người đàn bà mười ba bến nước" của Đoàn Cải lương Quảng Ninh; "Dậu mồng tơi gãy dập" của Đoàn Cải lương Nam Định...

Một điều dễ nhận thấy là các đơn vị đều sử dụng kịch bản được chuyển thể từ kịch bản kịch nói và hầu như đã thành công. "Biển và bờ" của tác giả Đăng Chương từng được hai đơn vị kịch nói dàn dựng và đều đạt giải vàng (đạo diễn Trần Ngọc Giàu - Sân khấu Phước Sang), giải bạc (đạo diễn Tuấn Hải - Trung tâm Bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam) ở Liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp 2012 vừa qua tại Huế. Hay kịch bản "Vú cát" của tác giả Nguyễn Quang Vinh từng là hiện tượng ở Liên hoan sân khấu miền Trung (tháng 5-2003) khi cả ba đơn vị Kịch nói Thanh Hóa, Kịch dân ca Nghệ An và Kịch dân ca Huế dàn dựng để dự thi. Rồi "Dậu mồng tơi gãy dập" (tác giả Nguyễn Hiếu) của Đoàn Cải lương Nam Định cũng đã từng được đưa lên sàn diễn Nhà hát kịch Việt Nam và nhận được những lời ngợi khen. "Người đàn bà mười ba bến nước" của Đoàn Cải lương Quảng Ninh cũng xuất phát từ thành công của truyện ngắn nổi tiếng, được chuyển thể thành phim, thành kịch bản chèo… Chỉ còn số ít là thuộc các vở mới được sáng tác trong dịp này.

Điều đó cho thấy sự khan hiếm kịch bản của làng sân khấu chưa được đẩy lui, mặc dù Hội Nghề nghiệp nhiều lần tổ chức thi, trại sáng tác để tìm nhân tố mới. Và càng đáng suy nghĩ hơn là ở mảng kịch hát, tác giả chuyên viết kịch bản ngày một ít. Hiện nay, hai tác giả chuyển thể được cải lương Bắc phải làm việc nhiều nhất có lẽ là NSƯT Ngọc Chi và NSƯT Triệu Trung Kiên.

Năm nay, tác phẩm dự thi chú trọng nhiều tới việc phản ánh đời sống hiện thực. Ào ạt những sự kiện nóng bỏng của cuộc sống được đưa lên sân khấu cải lương khá ngọt ngào vì bản thân cải lương rất dễ dung nạp nét mới mẻ. Với vở diễn "Khi hoa nở trái mùa", NSƯT Trần Mạnh Hùng đã mạnh dạn xoay chuyển kịch bản cho tới phút cuối để nói được những chiêm nghiệm của anh về tình đời, tình người trong cuộc sống bộn bề hôm nay. Các vở khác đề cập đến những toan tính bán nhà; vấn nạn cờ bạc, lô đề; những biểu hiện tình người xuống cấp; tác động xấu của việc đô thị hóa đến làng xóm êm ả bao đời nay và cả tình trạng cán bộ quan liêu, tham nhũng "nóng rực". Các tác giả của sân khấu cải lương phía Bắc luôn được đánh giá là biết tạo bất ngờ, đột biến. Nên những vở tham gia lần này sẽ được tận dụng triệt để khả năng trình bày "cái có thể xảy ra".

Tuy nhiên, điều khiến không ít đạo diễn phía Bắc trăn trở là hiện không có nhiều nghệ sĩ đủ tố chất để trở thành các "ngôi sao" cải lương. Vì vậy, tuy họ ít có diễn viên "câu khách" nhưng dàn nghệ sĩ khá đều và vững nghề.

Cải lương đất Bắc từng có những cuộc soán ngôi rất ấn tượng và ngoạn mục tại những kỳ thi tài, để lại ấn tượng khó quên với công chúng và các bạn đồng nghiệp phương Nam. Hy vọng lần này họ sẽ lập lại kỳ tích!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Món ngon" từ đất Bắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.