Theo dõi Báo Hànộimới trên

Moldova: Lo ngại về một “Ukraine thứ hai”

Quỳnh Chi| 02/12/2014 06:02

(HNM) - Cuộc bầu cử Quốc hội Moldova vốn được xem như



Theo thông báo của Ủy ban bầu cử, với 87% số phiếu được kiểm, đảng Xã hội dẫn đầu cuộc bầu cử với tỷ lệ ủng hộ đạt 21,5%. Đứng thứ hai là đảng Cộng sản giành được 17,8%. Mặc dù kết quả này của đảng Xã hội được đánh giá là khá bất ngờ và là một bước đột phá của đảng này trên chính trường nhưng số phiếu trên còn xa mới vượt qua tỷ lệ quá bán để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ. Vì vậy, đảng Xã hội và đảng Cộng sản sẽ tiếp tục giữ vai trò đối lập tại Quốc hội Moldova thêm một nhiệm kỳ nữa.

Điều đáng nói là cuộc bầu cử diễn ra vào thời điểm cuộc khủng hoảng tại Ukraine ngày càng leo thang căng thẳng và có nhiều nguy cơ trở thành tiền đề cho một cuộc Chiến tranh lạnh mới giữa Nga và các nước phương Tây. Sở dĩ, xu hướng lá phiếu của các cử tri ở đất nước nhỏ bé như Moldova thu hút sự chú ý của dư luận là vì nó có những tác động không nhỏ tới việc vẽ lại "bản đồ" ảnh hưởng Đông - Tây ngay tại không gian hậu Xô Viết. Điều này cũng có thể là một yếu tố quan trọng tác động tới quan hệ giữa Nga với Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và các nước đồng minh trong thời gian tới.

Dựa trên các cuộc điều tra, thăm dò dư luận, kết quả kiểm phiếu chính thức sẽ hầu như không có khả năng thay đổi. Tức là Moldova sẽ tiếp tục chính sách hội nhập với EU như những gì chính quyền liên minh 3 đảng do Thủ tướng Iurie Leanca dẫn đầu đã triển khai 5 năm qua mà cao trào là Thỏa thuận liên kết với EU được ký hồi tháng 6. Trong chiến dịch tranh cử, Thủ tướng I.Leanca cũng khẳng định quyết tâm đưa Moldova thành thành viên đầy đủ của EU vào năm 2020.

Tuy nhiên, kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Moldova cũng cho thấy sự chia rẽ sâu sắc giữa các cử tri nước này. Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại Moldova sẽ biến thành một Ukraine thứ hai khi cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây tại khu vực ngày càng gay gắt. Ngay khi ký quyết định liên kết với EU, nền kinh tế dựa vào xuất khẩu nông sản như Moldova cũng đã chịu thiệt hại nặng nề từ lệnh cấm các loại rượu, thịt và rau từ Nga. Bên cạnh đó, mầm mống bất ổn tại vùng đất ly khai Transdniestria có xu hướng thân Nga luôn là mối lo thường trực đối với hòa bình của Moldova. Mặc dù đây là khu vực với dân số chỉ khoảng 550.000 người và chiếm 1/8 lãnh thổ Moldova, nhưng Transdniestria nắm giữ một phần đáng kể ngành công nghiệp của Moldova.

Vì thế, những thách thức mà liên minh cầm quyền 3 đảng phải đối mặt trong nhiệm kỳ mới là không dễ dàng. Nhất là khi có tới hơn 85% số người được hỏi không hài lòng với các chính sách về lương, hưu trí và việc làm. Trong khi đó, thành tích trong cuộc chiến chống lại tình trạng tham nhũng, vi phạm pháp luật của chính phủ vẫn bị đánh giá là "nghèo nàn". Các nhà phân tích cho rằng, thắng lợi của liên minh cầm quyền lần này chủ yếu là nhờ cam kết tiến gần với EU với những hứa hẹn về đời sống theo tiêu chuẩn phương Tây để lôi kéo cử tri. Do đó, nhiệm vụ khó khăn trước mắt của tân Chính phủ Moldova là phải tạo ra những chuyển biến nhanh chóng đối với nền kinh tế của đất nước có mức thu nhập của người dân ít hơn mức thu nhập trung bình của Châu Âu tới 10 lần này. Ngoài ra, hóa giải chia rẽ, kêu gọi đoàn kết cũng cần được đặt trong mục ưu tiên của nhà cầm quyền mới để tránh đi vào vết xe đổ của Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Moldova: Lo ngại về một “Ukraine thứ hai”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.