(HNM) - Chợ nông thôn là một trong 19 nội dung của bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (NTM). Theo đó, xã NTM phải có chợ đạt chuẩn của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng NTM tại một số nơi ở Hà Nội, tiêu chí này chưa thực sự phù hợp với thực tế. Có nhất thiết mỗi xã phải xây dựng một chợ đạt chuẩn đang là nỗi băn khoăn chung của nhiều địa phương.
Mỗi xã sẽ có ít nhất một chợ đạt chuẩn
Việc xây chợ theo tiêu chí nông thôn mới đang là điều băn khoăn của nhiều địa phương. Ảnh: Thái Hiền
Theo Thông tư 54/2009 ngày 21-8-2009 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về NTM, tối thiểu mỗi xã phải có 1 chợ đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng. Chợ phải có các khu kinh doanh theo ngành hàng, gồm nhà chợ chính, diện tích kinh doanh ngoài trời, đường đi, bãi đỗ xe, cây xanh, nơi thu gom rác... Cụ thể, diện tích đất xây dựng chợ phải từ 3.000m2 trở lên; diện tích xây dựng nhà chợ chính tối đa 40%; diện tích mua bán ngoài trời tối thiểu là 25%; diện tích đường giao thông nội bộ dưới 25% và diện tích sân, cây xanh ít nhất là 10%... Các chợ trên địa bàn xã phải theo quy hoạch mạng lưới chợ nông thôn được UBND huyện phê duyệt theo hướng dẫn của Bộ Công thương; quy hoạch, thiết kế xây dựng và xét công nhận tiêu chí theo Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14-1-2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ; TCXDVN 361- 2006 về tiêu chuẩn thiết kế chợ…
Theo kết quả khảo sát của Sở Công thương, khu vực nông thôn Hà Nội hiện có 308 chợ cấp xã, song phần lớn là chợ tạm, chợ tự phát, quy mô nhỏ, hạ tầng yếu kém. Không ít chợ chưa đáp ứng được nhu cầu trao đổi, mua bán của người dân, gây mất cảnh quan, ô nhiễm môi trường và gây khó khăn trong công tác quản lý… So với quy chuẩn chợ theo tiêu chí NTM, đa số các chợ ở nông thôn Hà Nội chưa đạt yêu cầu. Việc cải tạo, nâng cấp những chợ này là cần thiết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương. Theo đề án xây dựng NTM của Hà Nội được HĐND thành phố phê duyệt, trong giai đoạn 2010-2015, Hà Nội sẽ đầu tư xây mới 69 chợ, cải tạo, nâng cấp 75 chợ đã có; phấn đấu đến năm 2015 có 75% số chợ nông thôn đạt chuẩn; giai đoạn 2016-2020 tiếp tục cải tạo, nâng cấp 100 chợ đã có để phục vụ tốt nhu cầu giao lưu, trao đổi hàng hóa, vật tư, sản phẩm của người dân. Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ gần 700 tỷ đồng.
Đầu tư phải đúng chỗ
Tương lai, mỗi xã xây dựng NTM sẽ có một chợ đạt chuẩn, đó là tin vui đối với nhiều vùng nông thôn. Tuy nhiên, ở một số nơi khác, điều này lại có phần chưa hợp lý. Ông Tạ Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, địa phương làm điểm xây dựng NTM của Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, xã đã có 13/19 tiêu chí đạt chuẩn. Kết cấu hạ tầng được đầu tư, nâng cấp, cải tạo đã đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, ông Hùng còn nhiều băn khoăn, nhất là quy định về tiêu chí chợ. "Nếu không xây chợ thì địa phương chưa thể đủ tiêu chí công nhận là xã NTM, nhưng nếu xây chợ đúng chuẩn thì rất tốn kém kinh phí mà chưa chắc đã phát huy được hiệu quả". Nguyên nhân là do xã Song Phượng nằm giáp với thị trấn Phùng. Từ bao đời nay, người dân vẫn quen với việc mua sắm ở chợ Phùng. Gần đây, họ còn có thêm thói quen mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị quanh thị trấn. Chợ của xã hiện tại chỉ là chợ dân sinh nhỏ đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm hằng ngày. Vì vậy, khi xây chợ lớn tại xã chưa chắc người dân sẽ vào. Như vậy chợ quy mô lớn xây xong để hoang sẽ rất lãng phí. Ông Nguyễn Hữu Tịnh, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng cũng cho rằng, Đan Phượng hiện có 6 chợ quy mô vùng cần được đầu tư, nâng cấp thêm để đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu của người dân; còn đối với các chợ xã vẫn đầu tư khang trang, sạch đẹp nhưng quy mô có thể nhỏ hơn, không nhất thiết phải rộng tới 3.000m2.
Không riêng huyện Đan Phượng, tại huyện Phú Xuyên, nhiều nơi chưa có chợ xã nhưng gần như thôn nào cũng có chợ tạm. Đơn cử như tại xã Phú Túc, theo đề án xây dựng NTM, đến năm 2015 xã sẽ xây dựng 1 chợ tập trung trên diện tích 3.000m2 giao cho HTX quản lý. Tuy nhiên, nhiều người dân địa phương cho biết, từ trước đến nay họ giao thương buôn bán chủ yếu qua chợ Đồng Vàng (xã Hoàng Long) và chợ Bóng (xã Hồng Minh). Nếu trong chương trình xây dựng NTM, cả 3 xã cùng lúc xây dựng 3 chợ lớn quy mô 3.000m2 thì sẽ là quá thừa.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đầu tư xây dựng chợ phải phù hợp với đặc thù địa phương. Theo ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội, nguồn vốn xây dựng NTM cần phải đầu tư đúng chỗ, đúng nhu cầu thực tế của dân, có như vậy mới huy động được nguồn lực tổng hợp từ trong dân. Ví như xây dựng NTM ở một xã miền núi, mật độ dân cư thưa thớt, sản vật nghèo nàn, mỗi tuần địa phương chỉ họp chợ một lần mà rót tiền vào xây chợ khang trang sẽ rất lãng phí. Trong khi đó, các xã miền núi thường thiếu rất nhiều thứ như đường giao thông, điện, trường học, thủy lợi… Do đó, khi xây dựng, thẩm định các đề án xây dựng NTM, địa phương cần phải cân nhắc kỹ lưỡng tính cấp thiết của từng công trình để lựa chọn ưu tiên đầu tư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.