Theo dõi Báo Hànộimới trên

Môi trường... “cản đường” nông thôn mới

Nguyễn Mai| 23/07/2016 07:00

(HNM) - Trở ngại lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Hoài Đức không phải là vốn, hạ tầng, thu nhập... mà là vấn đề môi trường. Đoàn kiểm tra thực tế tiến độ xây dựng NTM của Ban Chỉ đạo Chương trình 02 - CTr/TU của Thành ủy trên địa bàn huyện Hoài Đức nhận định: Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở các làng nghề chế biến nông sản chưa được giải quyết dứt điểm chính là “vật cản” Hoài Đức “cán đích” huyện NTM.

Mương nước xả thải lộ thiên đi qua xã Đức Giang (Hoài Đức).


Khổ sở vì ô nhiễm môi trường

Xã Dương Liễu có hơn 3.100 hộ, thì trên 2.800 hộ dân sản xuất tinh bột, làm miến và bánh kẹo. Là xã có nhiều hộ giàu, nhiều doanh nghiệp lớn nhưng nhiều năm nay người dân ở đây phải sống chung với ô nhiễm. Để sản xuất ra hàng trăm tấn tinh bột, miến, mỗi ngày Dương Liễu thải ra hàng nghìn mét khối nước thải chưa qua xử lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống.

Huyện Hoài Đức có 51/53 làng có nghề. Trong đó, 3 làng chế biến nông sản gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là: Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế. Đặc thù của các làng nghề này là chế biến tinh bột nên lượng nước thải rất lớn, khoảng 3.155.000m3/năm. Kết quả phân tích mẫu nước của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, nguồn nước mặt có màu đen xám cao hơn mức độ trung bình hơn 2 lần, hàm lượng ô nhiễm chất coliform (một nhóm vi khuẩn rất phổ biến) cao hơn vài nghìn lần so với mức trung bình, lượng ô xy hòa tan trong nước thấp hơn tiêu chuẩn 2mg/l, lượng ô xy cần thiết để ô xy hóa các hợp chất hóa học trong nước cao hơn tiêu chuẩn hơn 18 lần, lượng ô xy cần thiết để ô xy hóa các chất hữu cơ theo phản ứng cũng cao hơn tiêu chuẩn 12,3 lần…

Ô nhiễm môi trường không chỉ “hành hạ” người dân 3 xã này mà còn khiến người dân nhiều xã khác bị vạ lây. Nước thải và chất thải của các làng nghề đổ ra kênh T2 và T26 chảy qua nhiều xã khiến con kênh này trở thành “kênh chết”. Đặc biệt, đoạn chảy qua các xã Sơn Đồng, Yên Sở chất thải dồn về, đóng thành những “tảng băng” dày đặc bốc mùi hôi thối. Bí thư Đảng ủy xã Yên Sở Nguyễn Đăng Hoan cho biết, người dân các xã sống cạnh kênh ô nhiễm nên rất bức xúc. Càng bức xúc hơn khi dân Yên Sở không sản xuất nhưng cũng phải gánh chịu ô nhiễm và cũng không biết làm gì để tháo gỡ.

“Rào cản” nông thôn mới

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Đỗ Đức Trung cho biết, đến hết năm 2015, toàn huyện có 17/19 xã đạt chuẩn NTM, chỉ còn 2 xã là Dương Liễu và Vân Côn chưa đạt. Đối với 2 xã này, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Lê Thiết Cương nhận xét: Trong số 2 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2016 thì Dương Liễu gặp nhiều khó khăn hơn bởi khó hoàn thành tiêu chí môi trường. Không riêng gì Dương Liễu, đây cũng là trở ngại lớn nhất của huyện Hoài Đức trong xây dựng huyện NTM. “Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã về huyện Hoài Đức thẩm định hồ sơ đề nghị Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM nhưng vẫn còn băn khoăn với tiêu chí môi trường” - ông Cương cho biết.

Theo Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Quang Đức, để tháo gỡ nhức nhối ô nhiễm môi trường, huyện đã được thành phố hỗ trợ xây dựng 3 dự án xử lý nước thải ở các xã Dương Liễu, Sơn Đồng, Vân Canh. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện đến nay quá chậm.

Giải thích về sự chậm trễ này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Văn Hùng cho biết: Đối với dự án ở xã Dương Liễu, trước đây Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận sẽ đầu tư cho Hà Nội 1 dự án xử lý nước thải từ nguồn ngân sách của trung ương để chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy vậy, chờ mãi không thấy đầu tư, Sở mới báo cáo UBND thành phố cho xã hội hóa nên chậm muộn và kéo dài.

Hiện nay, dự án này đã được xã hội hóa, giao cho Công ty Phú Điền làm chủ đầu tư dự án xử lý nước thải có công suất 13.500m3/ngày-đêm, dự kiến sẽ đi vào hoạt động ngày 10-10-2016. Dự án 2 ở xã Sơn Đồng có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách do Sở Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư, công suất 8.000m3/ngày-đêm. Hiện đơn vị thi công đã ép cọc, đang thi công, dự kiến sẽ hoàn thành vào quý III năm 2017. Dự án thứ 3 đặt tại xã Vân Canh đã được UBND thành phố bố trí vốn cho Sở Tài nguyên và Môi trường 25 tỷ đồng, huyện đang thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, chuẩn bị các phương án để đấu thầu, tổ chức thi công. Dự kiến sẽ hoàn thành trong quý I năm 2018.

Theo Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Quang Đức, trong khi chờ đợi các dự án xử lý môi trường triển khai, năm 2016, huyện Hoài Đức sẽ tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn phối hợp với HTX Thành Công thu gom rác thải sinh hoạt, bảo đảm vệ sinh môi trường; duy trì ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp, nhất là ở các xã làng nghề như Dương Liễu, Cát Quế; tổ chức phát động tổng vệ sinh môi trường, đặc biệt là tại các hộ chăn nuôi…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Môi trường... “cản đường” nông thôn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.