(HNM) - Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KTXH) giữa các địa phương có sự khác nhau là chuyện bình thường, vì đặc điểm mỗi nơi một khác. Có nơi có nguồn thu từ dịch vụ du lịch, có nơi thì không.
Tuy nhiên, sự khác nhau về cách tiếp cận, cách xác lập các chỉ tiêu phát triển KTXH giữa các quận, huyện tại Hà Nội hiện nay không phản ánh sự khác nhau về đặc điểm KTXH, mà là phản ánh sự thiếu thống nhất, thiếu quy chuẩn trong việc thống kê, tính toán số liệu.
Hệ lụy của sự thiếu thống nhất về số liệu sẽ kéo theo việc xây dựng kế hoạch không chính xác, sai lầm khi tính toán nguồn lực, lãng phí thời gian, công sức... Ảnh: Nhật Nam |
Những năm trước, trong báo cáo kinh tế, các quận, huyện đều đưa ra con số tăng trưởng kinh tế chung (nhiều nơi còn gọi là tăng GDP?!), tương tự như chỉ số GDP của cả nước và GRDP của TP. Khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, các quận, huyện không đủ cơ sở để tính toán số liệu này và không cần phải đưa ra chỉ số này. Tiếp thu ý kiến trên, năm nay, nhiều địa phương như quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân đều không thấy đưa ra chỉ số này. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn đưa ra số liệu khái quát kết quả kinh tế nói trên, nhưng lại gọi với những cái tên khác nhau: quận Hoàng Mai gọi là "Tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất", còn quận Hà Đông gọi là "Tổng giá trị gia tăng". Cách đưa ra số liệu cũng khác nhau, Hà Đông liệt kê cả tổng số tiền giá trị gia tăng 9.587,1 tỷ đồng, trong khi quận Hoàng Mai chỉ đưa ra tỷ lệ tăng là 18%.
Trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2012, các quận, huyện, thị xã đều có phần các chỉ tiêu phát triển KTXH năm 2012. Chỉ riêng mục này, đã có rất nhiều sự khác biệt khá rõ. Cơ cấu kinh tế địa phương thường được phân chia thành: công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ và nông - lâm - thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay, mỗi địa phương lại gọi tên, tính toán theo một kiểu khác nhau. Nơi thì chia ra công nghiệp và xây dựng là hai chỉ tiêu riêng, nơi khác chỉ để công nghiệp mà không có xây dựng. Có địa phương xác định chỉ tiêu dịch vụ - thương mại, nhưng địa phương khác lại chỉ nêu chỉ tiêu dịch vụ mà bỏ quên thương mại. Lúc quận này đưa chỉ tiêu dịch vụ chung, có quận lại đưa chỉ tiêu "dịch vụ ngoài quốc doanh". Nói chung, nếu đặt lên bàn cán bộ thống kê cấp TP các báo cáo địa phương rồi yêu cầu tổng hợp thành số liệu chung thì chắc chắn sẽ bối rối mà không thể làm gì được.
Về số lượng các chỉ tiêu, cách phân chia ra từng mảng hoặc gộp chung một cụm các chỉ tiêu cả năm khác nhau giữa các địa phương cũng rất đáng bàn. Quận Thanh Xuân liệt kê 24 chỉ tiêu, Cầu Giấy 15 chỉ tiêu, Hà Đông 16 chỉ tiêu, Hoàn Kiếm tỉ mẩn kẻ bảng lên đến gần 100 chỉ tiêu phấn đấu các loại… Sự khác biệt về số liệu này là do quận thì có chỉ tiêu cấp giấy phép xây dựng, thậm chí là có cả chỉ tiêu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như Thanh Xuân, trong khi một số quận khác thì không. Nơi thì đưa các chỉ tiêu gia đình, khu dân cư văn hóa, nơi khác lại không. Nơi thì gộp chung, nơi thì chia nhỏ…
Khi trao đổi với đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP, lãnh đạo Sở KH-ĐT cho biết sẽ tổ chức nghiên cứu, thống nhất chỉ tiêu, cách tính toán và tập huấn cho các cán bộ địa phương. Nhưng xem ra, dự định này vẫn chưa thành hiện thực bởi sau cuộc giám sát đến gần một tháng mà đến kỳ họp HĐND các quận, huyện, thị xã gần đây, bất cập này vẫn diễn ra. Phải chăng, ngoài việc chưa có một hướng dẫn cụ thể, thống nhất để các địa phương lấy làm căn cứ thực hiện, ở đây còn là biểu hiện của bệnh thành tích, nghĩa là những nội dung có khả năng tăng trưởng tốt thì sẽ được tách ra, đưa vào báo cáo cho "kêu" còn những chỉ tiêu gộp vào có thể sẽ dẫn đến số liệu tăng trưởng thấp thì sẽ được "quên" đi… Rõ ràng, khi số liệu các quận, huyện, thị xã không đồng nhất dễ khiến số liệu tổng hợp của TP thiếu chính xác. Một khi số liệu thiếu chính xác, kéo theo việc xây dựng kế hoạch không chính xác; dẫn đến việc thực hiện gặp khó khăn, sai lầm khi tính toán nguồn lực, lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc… Hệ lụy của sự thiếu thống nhất số liệu về nhiệm vụ phát triển KTXH giữa các cấp, các ngành có thể nói là rất phức tạp và không thể lường hết được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.