Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mối nguy từ ô nhiễm âm thanh

Hiếu Nhung| 13/06/2014 05:02

(HNM) - Ô nhiễm âm thanh, hay ô nhiễm tiếng ồn, là hiện tượng âm thanh có cường độ và tần số khác nhau, sắp xếp không có trật tự, gây cảm giác khó chịu cho người nghe, ảnh hưởng đến quá trình làm việc và nghỉ ngơi của con người.



Đó cũng có thể là những âm thanh phát ra không đúng lúc, âm thanh phát ra với cường độ vượt quá ngưỡng chịu đựng của con người. Tiếng ồn nếu vượt quá mức cho phép sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống của con người. Theo các nhà khoa học, tiếng ồn có cường độ 50dB làm suy giảm hiệu suất làm việc, nhất là người lao động trí óc. Tiếng ồn tới 70dB làm tăng nhịp thở và nhịp đập của tim, tăng nhiệt độ cơ thể và tăng huyết áp, ảnh hưởng tới hoạt động tiêu hóa và làm giảm hứng thú hoạt động. Tiếng ồn 90dB gây mệt mỏi, mất ngủ, tổn thương chức năng thính giác, mất thăng bằng cơ thể và suy nhược thần kinh.

Theo quy định của Việt Nam, cường độ âm thanh tối đa cho phép ở trong các cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa trong khoảng thời gian từ 6h đến 21h là 55dB, từ 21h đến 6h là 45dB. Cường độ tối đa cho phép ở các khu vực chung cư, nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính từ 6h đến 21h là 70dB, từ 21h đến 6h là 55dB.

Những phương pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm tiếng ồn là quy hoạch kiến trúc xây dựng hợp lý; giảm tiếng ồn và chấn động ngay tại nguồn; sử dụng các thiết bị tiêu âm, cách âm. Vật liệu tiêu âm thường được sử dụng trong xây dựng, bố trí nội thất tại những nơi có nhiều tạp âm, công trình diện tích lớn như nhà hàng, bến xe, ga tàu, giúp giải quyết đáng kể tình trạng hồi âm, tiếng vang. Với tạp âm ngoại thất quá lớn như tiếng xe cộ, âm thanh từ công trường, tiếng hệ thống thông gió ở tầng trên cùng, cần sử dụng vật liệu hút âm và cách âm khỏi những nguồn dẫn đến tạp âm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mối nguy từ ô nhiễm âm thanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.