Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mối nguy từ những trái bom “nhà bếp”

Kim Phượng| 24/05/2013 07:43

(HNM) - Theo thông tin từ cơ quan điều tra Mỹ, các quả bom được sử dụng trong vụ đánh bom trong giải marathon tại thành phố Boston hồi tháng 4 vừa qua được tự chế từ nồi áp suất.


Cả hai trái bom không có chất nổ có sức công phá cao, nhưng với hậu quả gần 200 người thương vong thì rõ ràng khả năng sát thương của loại vũ khí tự chế này là không hề nhỏ. Và đặc biệt đây không phải lần đầu loại bom "nhà bếp" này được sử dụng.

Nồi áp suất là dụng cụ thường dùng trong nhà bếp của các gia đình trên toàn thế giới, nó có nhiều công dụng từ nấu cơm cho đến chế biến thức ăn. Tuy nhiên, nếu nhồi đầy vào nồi áp suất với chất nổ, mảnh kim loại và bộ phận kích nổ là có thể chế thành một quả bom tự tạo giống như quả bom mà nhà chức trách tin là đã được sử dụng trong cuộc tấn công vào giải chạy marathon ở Boston. Một quan chức an ninh nội địa Mỹ cho biết: "Cách đánh bom này đã có từ lâu trên thế giới, nhưng tại Mỹ thì chưa từng xảy ra". Tuy nhiên, giới chức Mỹ từ lâu đã cảnh báo là nồi áp suất có thể sử dụng để tấn công khủng bố, đồng thời loại bom này không cần nhiều tiền hay được huấn luyện đặc biệt để chế tạo. Bề ngoài, chúng trông vô hại dưới mắt của những người bình thường nhưng khi phát nổ, các mảnh vỡ bắn ra có thể tăng thêm tính sát thương cho quả bom.

Năm 2010, một cảnh báo chung của FBI và Bộ An ninh nội địa Mỹ nêu rõ, nồi áp suất đã từng được dùng để chế tạo bom trong nhiều vụ tấn công tại Iraq, Israel, Afghanistan, Ấn Độ và Chechnya (Nga). Bom tự chế dùng để giết và làm bị thương càng nhiều dân thường càng tốt là "dấu ấn" của các tổ chức phiến quân tại các quốc gia này. Người đứng đầu đội chuyên phá bom tại tỉnh Khyber-Pakhtunkhwa (Pakistan), một vùng đầy rẫy những cuộc tấn công vào thường dân của các phần tử cực đoan, từng cho biết gần một nửa của hơn 5.000 quả bom đã được tháo ngòi kể từ năm 2009 sử dụng nồi áp suất. Loại bom chứa các vật liệu nhọn sát thương này khác hoàn toàn với bom xe tải dùng tấn công tòa thị chính thành phố Oklahoma City vào năm 1995 hay bãi đậu xe của tháp phía bắc Trung tâm Thương mại thế giới năm 1993. Chúng không gây thiệt hại nhiều cho công trình nhưng lại gây thương tích cho nhiều người.

Như vậy, thảm kịch tại giải marathon Boston đã làm thay đổi chiến lược an ninh của nước Mỹ khi "đánh bom vệ đường" đã mở ra "chương mới" trong chiến thuật tấn công của bọn khủng bố. Ngay lập tức, Nhà Trắng đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm mới trực thuộc Bộ Tư pháp chuyên để đối phó với hiểm họa bom tự chế có sức công phá như trái bom tại Boston hay mạnh hơn. Nguy cơ bom tự chế sẽ lớn hơn trong tương lai gần khi bọn khủng bố nhìn vào vụ việc xảy ra tại Boston. Vì vậy, Washington xác định cách đối phó với chúng cũng phải được cải tiến, trong đó có tăng cường phối hợp giữa các cấp chính quyền liên bang, tiểu bang, khu vực tư và cả dân chúng nhằm đẩy lùi mối nguy hiểm từ những trái bom "nhà bếp".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mối nguy từ những trái bom “nhà bếp”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.