(HNMO) - Sáng 4-11, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, trả lời chất vấn về các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mỗi người Việt Nam hiện có 4 tài khoản trên các mạng xã hội khác nhau và đây là con số cao.
Đối với chất vấn của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) về giải pháp căn cơ, triệt để ngăn chặn thông tin xấu độc trên không gian mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đã nâng tầm giải pháp xử lý tin giả từ thông tư lên nghị định, trong đó quy định thời gian các nhà mạng phải hạ các thông tin giả, xấu độc từ 48 giờ xuống còn 24 giờ, có những thông tin đặc biệt được xử lý trong 3 giờ. Mức xử phạt hành chính với hành vi đưa thông tin giả đã tăng lên 3 lần, nhưng so với các nước trong khu vực ASEAN thì mức phạt này chỉ bằng 1/10. Do đó, Bộ đang xem xét cân nhắc đưa mức xử phạt lên ít nhất là bằng các nước trong khu vực.
“Ngăn chặn thông tin xấu độc thực sự là một việc khó khăn, lực lượng thì mỏng, trong khi mỗi người Việt Nam hiện có 4 tài khoản trên các mạng xã hội khác nhau, đây là con số cao”, Bộ trưởng nói.
Về giải pháp căn bản, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, thế giới thực ra sao thì lên không gian thực cũng như vậy. Tất cả phải vào cuộc, các bộ, ngành, địa phương quản lý lĩnh vực của mình trên không gian mạng, rồi sau đó các tổ chức, doanh nghiệp, trường học và thậm chí đến các gia đình quản lý con cái trong đời thực ra sao thì quản lý con trên không gian mạng cũng như vậy.
“Chỉ khi toàn bộ xã hội vào cuộc thì mới giải quyết được căn cơ vấn đề trên không gian mạng, nếu chỉ Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an đang là hai lực lượng chính hiện nay thì không xuể”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Tuy nhiên, tranh luận với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, ngoài đời chúng ta quản lý theo lãnh thổ, địa giới hành chính nhưng trên mạng là nền tảng đa quốc gia. Nếu chỉ dùng biện pháp ngăn chặn thông tin và xử lý tài khoản vi phạm thì không khác gì khi phòng, chống Covid-19 chỉ dừng lại ở việc đeo khẩu trang, cách ly, phong tỏa... Giải pháp căn cơ phải là giải pháp nâng cao "sức đề kháng" như vắc xin phòng, chống Covid-19, tức là người dân, công chúng không tin, không nghe thông tin xấu, độc; phải có thêm nhiều thông tin hay, phản biện, tích cực nhưng mang tính thuyết phục cao cho công chúng đọc; phải khuyến khích các tờ báo đi thẳng vào vấn đề nóng với một thái độ trách nhiệm, không né tránh và không phải chỉ khen một chiều mới là hay.
“Thực tế, nếu thuốc bổ uống nhiều cũng có thể gây ngộ độc. Quan trọng nhất là phải không uống thuốc độc ngay từ đầu. Nếu để độc hại ngấm vào rồi uống giải độc thì chúng ta chắc chắn mãi mãi sẽ phải chạy theo, rất vất vả”, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nói.
Nhất trí với quan điểm của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa về nâng cao sức đề kháng trước thông tin xấu độc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ đang đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung đào tạo kỹ năng số cho học sinh, đồng thời tạo lập nền tảng online để học tập, xây dựng kỹ năng cơ bản để học tập, làm việc, sử dụng không gian số. Đây cũng là các bước thực hiện để nâng cao "sức đề kháng" trước thông tin xấu, độc.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và mọi người dân trong việc làm sạch không gian mạng, nâng cao "sức đề kháng" trước vấn nạn tin giả, thông tin xấu, độc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.